Vừa tất bật hái lá trầu để kịp giao cho thương lái mang đi xuất khẩu, bà Lê Thị Xinh, ngụ ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phấn khởi nói: “Tui trồng trầu bán lá đã trên 50 năm, so với một số loại cây trái khác tuy thu nhập thấp hơn nhưng được cái có tiền xài quanh năm, không bị “dội hàng, dội chợ”, trúng mùa được giá, khỏi phải mang đi bán lẻ”.
Đang vào đợt hái lá trầu xuất khẩu, hầu như hộ nào trồng cây này ở xã Vị Thủy đều làm việc cả ngày kịp giao hàng cho các mối. Ảnh: Tô Phục Hưng.
Gia đình bà Xinh hiện có 6 công trồng trầu, trừ hết các khoản chi phí đầu tư công chăm sóc, hái lá trầu, vô “ốp”, mỗi năm bà còn lời trên 100 triệu đồng. Năm nay tiền lời sẽ tăng thêm lên bởi giá bán trầu lá đang tăng khoảng 10% so với năm 2016. Cụ thể giá lá trầu lá xanh có giá từ 45.000-50.000 đồng/ký. Giá bán trầu lá vàng ( lá to lớn, váng óng và nằm phía trên giàn) đang được bán theo đơn vị “ốp” là 4.000-5.000 đồng/ốp.
Lý giải về đơn vị tính “ốp” lá trầu rất kỳ lạ này, ông Tiết Văn Đấu, 88 tuổi chủ 1 vườn trầu tại ấp 6, xã Vị Thủy cho biết : “Không biết đơn vị đo lường này có từ bao giờ nhưng khi tui lớn lên đã biết đến “ ốp” rồi. Nghe đâu nó xuất phát từ người Khmer. Không biết mấy tỉnh khác thế nào chớ ở Hậu Giang, Cần Thơ, Trà Vinh, Sóc Trăng...người ta vẫn quen dùng “ốp” trong mua bán lá trầu vàng.
Những vườn trầu lá xanh, lá vàng như những chấm phá nổi bật làm cho bức tranh làng quê Nam Bộ ở xã Vị Thủy bừng lên 1 sức sống khiến nhiều du khách đam mê, thích thú. Ảnh: Tô Phục Hưng.
Làng trầu Vị Thủy đã có trên 100 năm được xem là “Vương quốc trầu lá” với trên 150 hộ trồng, người ít nhất khoảng 1 công (1.000m2 với khoảng 1.000 nọc), hộ trồng nhiều nhất thì có cả 10 công (10.000 nọc). Trồng trầu không bán lá nhiều nhất ở xã Vị Thủy là các ấp 5, 7, 8…Riêng ở ấp 5 hầu như nhà nào cũng trồng trầu bởi thu nhập khá ổn định.
Còn nhớ từ 2010-2014, giá lá trầu sụt giảm bất ngờ dẫn đến hàng chục hộ dân phải đốn bỏ để trồng các loại cây trái khác. Tuy nhiên từ năm 2015 lá trầu lại tăng giá đột ngột trở lại. Thương lái chủ yếu thu mua là xuất khẩu sang Camphuchia,Trung Quốc, Thái Lan, các vùng lãnh thổ như Đài Loan, Hồng Kông nên nhiều người đã quay trở lại trồng cây trầu không với quy mô trồng nhiều hơn trước đây.
Bà Lê Thị Xinh, ngụ ấp 5, xã Vị Thủy, huyện Vị Thủy (Hậu Giang) phấn khởi nói: “Giá bán trầu lá năm nay cao hơn năm rồi tầm 10%, tiền lời từ 6 công trầu của gia đình tui ước phải hơn 150 triệu đồng”. Ảnh: Tô Phục Hưng.
Theo nhiều hộ trồng trầu lâu năm ở Vị Thủy cho hay, nếu trồng trầu không thì không nặng công chăm sóc, không cần nhiều diện tích, có thể tranh thủ trồng ở những khoảnh đất hẹp. Nhưng người trồng trầu cần quan tâm đến các yếu tố như: nọc trầu phải bằng cây tràm, vì vỏ tràm bám rất chắc vào thân cây tạo điều kiện cho rễ dây trầu bám và phát triển tốt; khi hái lá phải lựa chọn lá đạt chuẩn, số lá còn lại sẽ hái đợt tiếp theo cách đợt trước khoảng 10 ngày; khi hái trầu không làm dập đọt non... Người trồng còn phải làm giàn để hái lá trên cao. Khi ngọn vượt khỏi giàn thì cắt bỏ...Trên diện tích 1.000 mét vuông có thể trồng từ 1.000-1.200 nọc tiêu để trầu leo...
Tại các ấp trồng nhiều cây trầu của xã Vị Thủy, bà con nông dân thành lập nên các Câu lạc bộ vườn trầu để cùng sinh hoạt, trao đổi, hỗ trợ lẫn nhau trong việc trồng, kinh doanh cây trầu. Ảnh: Tô Phục Hưng.
Không những giúp người trồng có nguồn thu nhập khá và ổn định, cây trầu còn mang lại việc làm quanh năm cho lao động chuyên hái lá, bó“ốp” với 2 hình thức trả công: một là khoán trọn gói cho người hái với giá từ 130.000- 150.000 đồng/ngày; hai là chủ vườn chỉ trả 100.000 đồng nhưng phải “ bao” ăn uống buổi sáng và trưa. Những ngày cận tết thì giá tiền công sẽ tăng thêm khoảng 50% do thị trường lúc nầy rất hút hàng lá trầu.
Điểm thú vị, ngoài việc trồng để kinh doanh, cây trầu Vị Thủy còn tô đẹp thêm màu sắc của 1 vùng quê, góp phần lưu giữ nét đẹp văn hóa của 1 vùng đất qua bao thế hệ. Du khách nào đã bước chân đến “vương quốc trầu” Vị Thủy đều mê cảnh sắc nơi đây.
Tác giả: Tô Phục Hưng/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn