Nhờ mạnh dạn chuyển đổi diện tích vườn tạp trồng cam, vải kém hiệu quả sang trồng cây bưởi Diễn, đến nay, mỗi năm gia đình ông Lê Anh Chúc, 62 tuổi ở thôn Minh Sơn, xã Thạch Sơn (Thạch Thành) có thu nhập trên 150 triệu đồng.
Trong ngôi nhà khang trang, ông Chúc bộc bạch: Từ năm 2005 trở về trước, diện tích 5.000 m2 đất vườn của gia đình được trồng các loại cây ăn quả, như: Vải, nhãn, cam canh nhưng hiệu quả kinh tế không cao. Năm 2006, thực hiện chủ trương chuyển đổi cơ cấu cây trồng, gia đình tôi quyết định phá bỏ diện tích trồng vải, trồng cam chuyển sang trồng thử nghiệm 90 cây bưởi Diễn, 40 gốc bưởi Đoan Hùng, bưởi Hoàng, bưởi da xanh. Để có kỹ thuật trồng, chăm sóc tôi đã tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi qua sách báo, ti vi, đồng thời đi thăm nhiều mô hình trồng bưởi trong và ngoài huyện.
Theo kinh nghiệm trồng bưởi Diễn, bưởi ruột đỏ Tân Lạc, bưởi Đoan Hùng, da xanh không khó nhưng để có năng suất, chất lượng cao, cần chăm sóc đúng cả trước và sau khi thu hoạch. Thường xuyên tưới nước giữ ẩm cho cây. Chú ý khi cây bưởi đang hình thành quả không nên tưới nhiều nước để cây tập trung dinh dưỡng vào quả, vị ngọt sẽ đậm hơn và màu sắc đẹp hơn. Đến nay, sau hơn 10 năm trồng, chăm sóc, tôi nhận thấy cây bưởi Diễn phù hợp với thổ nhưỡng của vùng đất này, quả sai và ngọt không kém gì bưởi bản địa. Quả có thể bảo quản lâu ngày, càng héo hương vị càng ngọt đậm và là nông sản sạch nên được thị trường ưa chuộng.
Đến thời điểm hiện tại, 130 cây bưởi của gia đình ông Chúc đang cho thu hoạch, ước tính năm nay thu hoạch khoảng 8.000 quả bưởi, thương lái ở TP Thanh Hóa đến tận vườn để thu mua với giá 20 đến 22.000 đồng/quả. Trừ chi phí gia đình thu lãi trên 150 triệu đồng. Hiệu quả kinh tế từ cây bưởi mang lại, năm 2016 gia đình ông Chúc quyết định đầu tư trồng thêm 40 gốc bưởi ruột đỏ Tân Lạc (Hòa Bình).
Với những thành tích đã đạt được, ông Lê Anh Chúc là tấm gương sáng người cao tuổi làm kinh tế giỏi của xã Thạch Sơn.
Theo Vũ Công/baothanhhoa.vn