20 năm trước, ông Đinh Văn Oánh, trú tại thôn 3, (xã Hương Đô, huyện Hương Khê, tỉnh Hà Tĩnh) đã một mình lặn lội vào khu vực núi Khe Mây để trồng cam. Toàn bộ tài sản ông đầu tư vào mô hình trồng hơn 1.000 gốc cam và sau đó mở rộng mô hình trên diện tích rộng hơn.
Đến nay, ông Oánh đã có gần 1 vạn gốc cam đủ loại, cam bù, cam chanh, cam xã đoài, cam V2, cam lòng vàng... trên diện tích 20ha.
Ông Oánh gắn bó với cam Khe Mây từ hàng chục năm nay. Qua tìm hiểu và nghiên cứu, ông đã tự tích lũy những kinh nghiệm để cho ra sản phẩm cam Khe Mây đạt chất lượng bán ra thị trường.
Để có những quả cam chín mọng và ngọt lịm, trong suốt những năm ròng ông và các thành viên trong gia đình đã phải miệt mài, đổ mồi hôi lẫn nước mắt, mất ăn mất ngủ chăm sóc từng gốc cam
“Tháng Giêng là cam bắt đầu ra hoa, đến khoảng tháng 9 bắt đầu cho thu hoạch. Bình quân mỗi cây khoảng 20 - 30kg. Tôi chỉ chú trọng chất lượng, còn số quả trên cây thì để nó tự nhiên đậu quả, không kích thích”, ông Oánh cho biết.
Chia sẻ về những khó khăn trong việc trồng cam Khe Mây, ông Oánh tâm sự, khi cam gần chín cho đến cuối vụ có rất nhiều bướm và ruồi vàng bay ra chích hút, mỗi đêm chúng phá trung bình cả tấn cam của cả làng. Trước việc tàn phá của các loại sâu bệnh, ông Oánh đã nghĩ ra cách mắc màn cho cam “ngủ”.
“Khi quả bắt đầu lớn, tôi sẽ sử dụng màn để mắc cho cam. Với việc mắc màn này có tác dụng tránh các loại như con bướm đêm, bọ xít, sâu đục quả, ruồi vàng. Trước đây, chúng tôi phải thức đêm, đội đèn dùng vợt để diệt bướm. Nhưng cách đó chỉ tạm thời vì số bướm đêm rất nhiều chúng tôi không thể diệt hết. Đường đồi đi lại khó khăn lại thêm rắn rết rất nguy hiểm..”, ông Oánh chia sẻ.
Ông Đinh Văn Lâm, Chủ tịch xã Hương Đô, huyện Hương Khê (Hà Tĩnh) cho biết: Hiện vùng đất Khe Mây có 364 hộ trồng cam, với diện tích 350 hecta.
Cam Khe Mây là đặc sản của địa phương, nhiều năm nay người dân mở rộng diện tích trồng cam, vì cho thu nhập khá cao so với các ngành nghề khác.
Theo giaoducthoidai.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn