Hiện nay, sản xuất theo chuỗi an toàn đang là một xu hướng tất yếu phù hợp với quá trình hội nhập và phát triển. Đã có rất nhiều doanh nhiệp, nông dân đã và đang thực hiện sản xuất theo chuỗi sản phẩm an toàn và đạt được kết quả đáng khích lệ.
Chúng tôi có dịp về thăm mô hình nuôi lợn an toàn sinh học tại Yên Bái. Con đường độc đạo hơn 5 km dẫn từ tỉnh lộ vào xã Nga Quán, huyện Trấn Yên, tỉnh Yên Bái khá hẻo lánh, nơi đây có một trang trại đặc biệt với hơn 600 con lợn được chăm sóc theo quy trình nghiêm ngặt đáp ứng đủ tiêu chuẩn chuỗi sản xuất thực phẩm sạch.
Để tới được trang trại nuôi lợn của gia đình anh Phùng Xuân Hà không khó bởi con đường dẫn vào trang trại đã được bê tông hóa và khá rộng rãi, đủ cho xe tải cỡ lớn đi vừa. Tuy nhiên, ngay cả tới được đây không có nghĩa ai cũng được vào thăm lợn.
Mặc dù, được đích thân Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Yên Bái đưa vào nhưng chủ trang trại Phùng Xuân Hà vẫn khá rè rặt khi chúng tôi có ý định vào thăm mô hình chăn nuôi lợn công nghệ cao, an toàn thực phẩm của anh.
Sau một hồi thuyết phục, chủ trại mới đồng ý cho vào nhưng phải trải qua một loạt các quy định nghiêm ngặt nhất của trại. Trước khi vào, chúng tôi phải tắm sạch sẽ, sau đó phải đi qua hệ thống phun chất khử trùng áp lực cao.
Tiếp đến, phải tắm lại lần thứ 2 bởi chất khử trùng có thể gây ra hiện tượng ngứa rát, khó chịu với những người có làn da mẫn cảm. Chưa hết, quy trình thứ 3 chúng tôi buộc phải thực hiện là mặc đồ bảo hộ và đi ủng cao su rồi bước qua làn rải vôi bột khô.
Tách biệt với khu vực vệ sinh, khử trùng một khoảng sân nhỏ chính là những dãy chuồng có khung thép sáng choang sạch sẽ. Một lối đi ở giữa chuồng chạy dọc rộng chừng 1,5m. Từng ô nhỏ chỉ đủ cho con lợn nái nằm mà không thể quay đầu.
Bên dưới sàn chuồng là phần tầng âm thông khí. Trên mái chuồng có dàn nước lạnh phun làm mát. Ở 2 đầu khu chuồng là hệ thống cánh quạt khổng lồ có tác dụng đối lưu không khí.
Toàn bộ hệ thống làm mát giống như giàn lạnh điều hòa được dựng như bức tường, phía trên là các ống phun nước nhỏ giọt được thiết kế có chủ ý nhằm giúp hệ thống quạt thổi khí mát và tự nhiên vào chuồng trại.
Cảm giác đầu tiên khi bước qua cánh cửa để vào khu nuôi lợn nái là... quá sạch. Dù là chuồng chăn nuôi lợn, một khu vực rất nhiều mùi hôi, nhưng ở đây không hề thấy mùi chất thải.
Là người gắn bó với mô hình chăn nuôi này ngay từ những ngày đầu, cũng thường xuyên qua lại trang trại nhưng ông Đàm Duy Đức, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y tỉnh Yên Bái cũng không phải là ngoại lệ, rất nhiều lần vào thăm lợn, dù là mùa đông lạnh buốt ông Đức cũng phải tắm và thực hiện đầy đủ các quy trình phòng dịch.
Ông Đức cho rằng, đó là một phần khiến cho mô hình chăn nuôi này thành công, sản phẩm lợn thịt xuất bán ra thị trường có sức cạnh tranh, có thương hiệu. Ngoài ra, lợn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn sinh học thịt ngon hơn, vì cám chỉ có dinh dưỡng và chất sơ, không có chất tăng trọng.
Sau khi ký hợp đồng chăn nuôi với Công ty cổ phần Chăn nuôi CP Việt Nam, trên diện tích 5 ha, năm 2012 anh Phùng Xuân Hà tiến hành san gạt, xây dựng trang trại nuôi lợn công nghệ cao, an toàn sinh học.
Toàn bộ công trình được xây dựng theo bản vẽ thiết kế của Công ty cổ phần CP Việt Nam, gồm 2 bể biogas, 1 nhà để phân, 1 khu chuồng cách ly, 1 khu chuồng bầu 580 con, 3 khu chuồng lợn đẻ mỗi chuồng 60 con, xung quanh trang trại trồng cây và đào ao thả cá.
Mỗi ngày, bất kể mùa đông hay mùa hè, anh Phùng Xuân Hà cùng 15 công nhân đều phải… tắm trước khi vào thăm lợn. Trong 1 ngày, họ cho lợn ăn 2 lần, quét dọn vệ sinh, điều chỉnh hệ thống làm mát (giàn bơm phun nước), điều chỉnh ánh sáng ban đêm, điều chỉnh nhiệt độ giữ ấm mùa đông, quan sát phát hiện biểu hiện của lợn để có chế độ chăm sóc phù hợp.
Các kỹ năng này đều được phía Công ty cổ phần CP Việt Nam tập huấn ngắn ngày và được công nhân áp dụng dưới sự giám sát chặt chẽ của các kỹ sư chăn nuôi “nằm vùng” tại trang trại. Một kỷ luật phòng dịch nghiêm ngặt đến mức hà khắc nhưng được tất cả cán bộ, công nhân luôn tuân thủ tuyệt đối.
Là nông dân từ Sơn Tây, Hà Nội, anh Hà lên vùng cao Yên Bái làm công nhân nuôi lợn và đồng nghiệp của anh cũng đến từ nhiều miền quê khác. Họ ở ngay trong trại, hạn chế thấp nhất việc ra vào để tránh lây nhiễm dịch bệnh từ ngoài vào.
Còn việc ăn uống, sinh hoạt có khu nhà riêng, có người phục vụ nấu ăn, vận chuyển đồ đạc. Bất kỳ người nào vào trại đều phải ăn ngủ tại khu lán riêng, phải tắm, khử trùng, mặc trang phục đặc biệt rồi mới được vào chuồng…thăm lợn.
Nga Quán chỉ là một trong những địa chỉ chăn nuôi công nghệ cao, an toàn sinh học của tỉnh Yên Bái. Lợn nái, lợn thịt từ trang trại này có sức tăng trưởng đều đặn và chưa từng bị dịch bệnh tấn công.
Điều này cho thấy tiềm năng của mô hình chăn nuôi khá nghiêm khắc này nhưng hấp dẫn. Những mô hình kiểu như ở Nga Quán đã mọc lên ở nhiều vùng nông thôn, vùng sâu xa của tỉnh Yên Bái (càng cách ly, biệt lập với vùng đông người càng tốt).
Ông Trần Thế Hùng, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Yên Bái đánh giá, đây là mô hình cần nhân rộng bởi nó đáp ứng được đòi hỏi của thị trường, được người tiêu dùng đón nhận, và đặc biệt, chăn nuôi theo chuỗi an toàn thực phẩm là xu hướng phát triển.
"Dĩ nhiên người nông dân sẽ không nuôi ngay được lợn nái vì quy trình phòng dịch quá nghiêm ngặt, khó áp dụng, nhưng nhiều công đoạn học được từ quy trình này có thể sẽ được người dân tự áp dụng cho mô hình nuôi lợn thịt của mình", ông Hùng khẳng định./.
Theo Thành Trung/bnews.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn