13:12 EST Thứ sáu, 22/11/2024
CHỦ ĐỀ HỌC TẬP VÀ LÀM THEO TẤM GƯƠNG ĐẠO ĐỨC HCM CỦA VP ĐIỂU PHỐI NTM HÀ TĨNH "GƯƠNG MẪU, CHỦ ĐỘNG, TÂM HUYẾT, KHOA HỌC, HIỆU QUẢ"

Menu Hệ thống

Tư vấn chính sách
Văn bản Pháp luật
Văn bản Pháp luật
Điều hành tác nghiệp Hà Tĩnh
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn
Cổng Thông tin Điện tử Hà Tĩnh
Công báo Hà Tĩnh
Báo Nông nghiệp Việt nam
Khuyến nônng Việt Nam
Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Tĩnh

TRANG CHỦ » Tin Tức » MH Sản xuất, MH theo Tiêu chí » MH Sản xuất - Kinh doanh


Đối tác chiến lược ngành in bạt quảng cáo

in bạt hiflex - in decal pp - in decal ngoài trời - in băng rôn

Những nông dân triệu phú miền biên viễn

Chủ nhật - 15/07/2018 00:59
Trong chuyến công tác lên Mường Lát, nơi tận cùng xứ Thanh lần này, tôi không chỉ tìm hiểu về những đề tài “nóng” của vùng biên như ma túy, HIV, mà còn tìm đến những người dân vùng cao hồn hậu, chất phác, chăm chỉ làm ăn trên những ngọn đồi đầy sỏi đá miền biên viễn để được nghe câu chuyện làm giàu của họ.
Anh Gia Văn Khua trở thành triệu phú từ trồng cây đào, cây mận trên đất đồi rừng. Ảnh: Linh Nga

Anh Gia Văn Khua trở thành triệu phú từ trồng cây đào, cây mận trên đất đồi rừng. Ảnh: Linh Nga

Từ câu chuyện bỏ cái nghèo...

Để vào được bản Pù Đứa, xã Quang Chiểu, tôi phải nhờ một cán bộ xã dẫn đường. Ông Lương Văn Lế (Chủ tịch Hội Nông dân xã Quang Chiểu) khéo léo điều khiển chiếc xe máy hết lội suối lại băng đèo cho tôi biết: “Nhờ có dự án nên con đường vào Pù Đứa mới được như thế này. Trước kia còn vất vả gấp nhiều lần, cán bộ chúng tôi cứ cuốc bộ vào bản thôi”. Cơn mưa rừng bất chợt ập đến đã trở thành nỗi lo cho cuộc hành trình của chúng tôi. Nhưng cũng nhờ có cơn mưa mà ông Thao Văn Nhia mới trở về nhà từ rẫy và chúng tôi mới có dịp trò chuyện với ông. Một người nông dân thuần túy nhưng ông có những suy nghĩ và việc làm khiến chúng tôi kính trọng, nể phục.

Ngôi nhà mới khang trang, rộng rãi của gia đình ông Nhia đẹp nhất bản. Sau chén rượu ngô thơm nồng mà ông Nhia bảo dành để “thết đãi khách quý tới nhà”, ông bắt đầu kể cho tôi nghe câu chuyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo của ông gần 10 năm về trước.

Ông Nhia bảo: “Trước đây, gia đình mình cũng nghèo như bao gia đình khác ở cái bản Pù Đứa. Chẳng gia đình nào biết cách làm ăn, chăn nuôi nhiều con trâu, con bò để phát triển kinh tế”. Cũng vì nghèo đói, lúc đó có một số người rủ ông cùng họ đi tìm vùng đất mới với hy vọng đổi đời, nhưng ông quyết ở lại mảnh đất Pù Đứa để sinh sống với một ý nghĩ: Chẳng có nơi nào tốt đẹp như nơi mình sinh ra và lớn lên. Thực tế, ông đã chứng kiến nhiều gia đình chuyển đi nơi khác ở nhưng vẫn nghèo đói và phải trở về quê cũ. Lúc đó, cuộc sống của họ càng thêm khó khăn vì không còn nhà ở, không còn đất sản xuất.

Với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, ông bàn với vợ con khai hoang ruộng bậc thang, phục hóa đất trống, đồi trọc, vay vốn Ngân hàng để mua gia súc, gia cầm về nuôi. Sau nhiều năm lao động chăm chỉ, vợ chồng ông đã có 7ha ruộng bậc thang, ông đưa các loại giống lúa mới năng suất cao về gieo cấy. Từ đó, hằng năm, gia đình ông thu nhập gần 2 tấn thóc. Khi đã có nhiều thóc, ông tính toán chỉ để lại lượng thóc đủ ăn trong năm; số còn dư ông bán lấy tiền mua gia súc, gia cầm về chăn nuôi. Từ nguồn kinh tế ban đầu đã giúp gia đình ông có cuộc sống ổn định hơn.

Năm 2009, gia đình ông Nhia đã tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo đã khiến cho nhiều người ở bản Pù Đứa ngạc nhiên. Vì theo lẽ thường, họ muốn gia đình mình là hộ nghèo để được nhận hỗ trợ từ Nhà nước. Nhưng ông Nhia lại nghĩ: “Muốn thoát khỏi đói nghèo, mình phải thoát nghèo từ trong suy nghĩ, không trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước mà phải vươn lên từ chính sức lao động của mình. Bản Pù Đứa nghèo, gia đình tôi cũng được xem là khá giả so với các gia đình khác nên tôi đã tự nguyện viết đơn rút khỏi danh sách họ nghèo, nhường lại cho các hộ nghèo khác để Nhà nước hỗ trợ cho họ”.

Với ý chí làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, gia đình ông Nhia luôn mở rộng diện tích trồng trọt, đầu tư phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm. Hiện nay, gia đình ông đã có đàn gia súc, gia cầm phát triển hàng trăm  con. Ngoài chăn nuôi, ông còn trồng thêm 3ha xoan và 2ha ngô lai vừa làm nguồn thức ăn cho gia súc, gia cầm, vừa mang lại hiệu qua kinh tế cao. Đến nay, kinh tế gia đình ông Nhia đã khá giả, mua sắm được xe máy, ti vi, tủ lạnh, máy xay sát và các nông cụ khác phục vụ sản xuất. Câu chuyện về ông Thao Văn Nhia – một người dân tộc Mông với 2 bàn tay trắng có ý chí vươn lên thoát nghèo, nỗ lực phát triển kinh tế là tấm gương sáng ở huyện vùng cao Mường Lát.

... Đến ý chí làm giàu trên đất đồi

Nhiều năm trước, gia đình anh Già Văn Khua cũng nghèo như bao gia đình người Mông khác ở bản Lốc Há, xã Nhi Sơn, huyện Mường Lát. Nhà nghèo, từ nhỏ, anh Khua chẳng được đi học. Vì không biết chữ, không biết tính toán nên anh Khua không biết làm kinh tế. Cả nhà 6 miệng ăn chỉ trông chờ vào cây ngô, cây lúa trồng trên những ngọn đồi cao, năng suất thấp nên đói nghèo cứ bám dai dẳng, triền miên lấy gia đình anh.

Cách đây gần 10 năm, theo lời giới thiệu của môt người quen, anh Khua đã lặn lội sang tận Sơn La tìm mua giống đào và mận về trồng. Sau khi học hỏi kinh nghiệm trồng, chăm sóc đào và mận, anh về bàn với vợ phát triển mô hình cây đào, cây mận trên đất đồi rừng thay cho cây lúa, cây ngô năng suất thấp. Chỉ với 10 cây giống ban đầu, sau 3 năm, cây đào đã cho thu hoạch. Nhận thấy cây đào và cây mận mang lại hiệu quả kinh tế cao, anh Khua đã tiếp tục nhân giống, chiết cành và trồng trên diện tích đất canh tác của gia đình mình. Đến nay, trên diện tích hơn 2ha đất đồi, gia đình anh đã trồng được hơn 2.000 gốc đào và hơn 200 gốc mận đang cho thu hoạch.

Đất không phụ công người, với ý chí dám nghĩ, dám làm, trong những năm qua, cây đào, cây mận đã mang lại cho gia đình anh nguồn thu nhập đáng kể. Anh Khua cho biết: “Năm nay, thời tiết thuận lợi nên cây đào, cây mận cho sản lượng cao. Sau vụ thu hoạch, gia đình mình cũng thu được 200 triệu đồng từ tiền bán đào và mận”. Bên cạnh đó, mỗi năm anh Khua còn thu nhập được 60 triệu đồng từ tiền bán mật ong rừng nhờ cách làm rất sáng tạo của mình. Anh Khua cho biết: “Mình chỉ làm những cái thùng gỗ, sau đó để quanh vườn đào, khi đào và mận ra hoa, ong tự kéo đến hút mật và làm tổ. Hằng ngày mình đi thu tổ ong về bán nên không mất nhiều công sức đâu”.

Đứng giữa vườn đào, mận rộng hơn 2ha và nghe Gia Văn Khua kể về cách làm giàu của mình, tôi thầm cảm phục ý chí, đức tính cần cù của anh. Tôi nói với anh: “Sao anh Khua không biết chữ mà giờ tính toán làm ăn giỏi thế?”. Anh Khua hồ hởi cho hay: “À, mình được đi học lớp xóa mù chữ rồi, nhưng đến giờ chẳng nhớ được mặt con chữ. Còn tính toán con số thì mình tính giỏi lắm!”.

Từ mô hình trồng cây đào, cây mận của gia đình, anh Khua còn nhân giống để bán cho các hộ khác trong xã, huyện khi có nhu cầu trồng. Anh cũng không ngần ngại chia sẻ kinh nghiệm trồng đào, trồng mận cho mọi người để cùng nhau phát triển kinh tế. Vì thế, ở Nhi Sơn đã có nhiều gia đình thoát nghèo bền vững nhờ cây đào, cây mận.

Những nông dân triệu phú như Thao Văn Nhia và Gia Văn Khua đã trở thành gương điển hình trong phát triển kinh tế trên mảnh đất biên cương Mường Lát. Họ thoát nghèo và làm giàu trên chính mảnh đất quê hương nhờ ý chí, nghị lực và sự ham học hỏi những kiến thức mới, cách làm hay. Tin tưởng rằng, Mường Lát sẽ còn xuất hiện rất nhiều những nông dân triệu phú như thế.

Linh Nga/bienphong.com

Tổng số điểm của bài viết là: 0 trong 0 đánh giá
Click để đánh giá bài viết
Từ khóa: n/a

Những tin mới hơn

Những tin cũ hơn

 

Thư viện Hình ảnh



Thăm dò ý kiến

Đánh giá kết quả thực hiện Chương trình NTM nên theo chỉ tiêu nào?

Số xã về đích (đạt 19/19 tiêu chí)?

Tổng số tiêu chí đạt chuẩn?

Tổng mức độ tiến bộ của tất cả các tiêu chí (theo phương pháp chấm điểm)?

Phương án khác?

Thời tiết - Tỷ giá

Thống kê

Đang truy cậpĐang truy cập : 235


Hôm nayHôm nay : 57609

Tháng hiện tạiTháng hiện tại : 975771

Tổng lượt truy cậpTổng lượt truy cập : 71203086