Mặc dù công việc chính là trồng cà phê, thế nhưng nhận thấy mô hình trồng dâu nuôi tằm mang lại hiệu quả cao mà không phải đầu tư nhiều vốn nên năm 2000 ông bắt đầu nên duyên với tằm. Đến năm 2008, vợ ông đau ốm nên ông nghỉ một thời gian. Ngỡ rằng sẽ thôi hẳn, nhưng duyên nợ với tằm vẫn còn nên đến năm 2017 ông quay lại và mở rộng quy mô hơn.
Căn phòng nuôi tằm của ông Tuỵn luôn thoáng mát và khô ráo
Chia sẻ với chúng tôi, ông Tuỵn nhận xét: “Nuôi tằm thì chỉ cần lá dâu thôi, mà lá dâu thì mình có thể tự trồng được. Thêm vào đó, thổ nhưỡng đất ở Gia Lai rất hợp với cây dâu và khí hậu lại rất hợp với con tằm. Nuôi tằm ở Gia Lai ít bệnh tật hơn là tôi nuôi tằm ở Lâm Đồng ngày trước. Thời gian thu hoạch tằm cũng rất nhanh, chỉ chưa đầy một tháng là mình có thể xuất bán kén rồi. Một năm 12 tháng mình có thể làm được 10 tháng, trừ 2 tháng mưa gió lá dâu ít không có thức ăn cho tằm thôi…”.
Một hộp trứng tằm này sau gần 1 tháng sẽ cho thu về hơn 8 triệu đồng
Dù là công việc phụ, thế nhưng mỗi tháng ông vẫn đều đều thu về hơn 8 triệu đồng từ việc xuất bán kén. Cứ như vậy, mỗi tháng ông Tuỵn sẽ lấy một hộp trứng tằm có giá khoảng 350.000 đồng. Sau khoảng 24 ngày, ông sẽ thu về khoảng 50 kg kén, một kg kén sẽ được bán với giá 170.000 đồng.
Những khay tằm của ông Tuỵn sắp bước sang giai đoạn ăn rổi
“Nuôi tằm cần phải thường xuyên quan sát đến nhiệt độ ở trong phòng. Bởi nhiệt độ là yếu tố đầu tiên quyết định sự phát triển của tằm. Cụ thể, nhiệt độ ở mức 32 độ C tằm sẽ bị mủ, dưới 15 độ C tằm sẽ bị vôi, khi đó toàn thân tằm sẽ biến thành cục vôi. Nhiệt độ thích hợp nhất để tằm phát triển và sinh trưởng tốt là 20-31 độ C. Còn một loại bệnh của tằm liên quan đến thời tiết nữa đó là gió độc, tuy nhiên loại bệnh này đa phần đều ở Lâm Đồng, ở Gia Lai hầu như không có…Bên cạnh đó, khi thiết kế phòng, trại nuôi tằm cần phải bố trí sao cho căn phòng luôn thoáng mát, dễ chịu…”, ông Tuỵn chia sẻ thêm.
Nhiệt độ trong phòng nuôi tằm của ông Tuỵn luôn duy trì ở mức 29-31 độ C
Cũng theo ông Tuỵn, ngoài việc trong phòng nuôi tằm luôn có cái đo nhiệt độ, còn phải một tấm màn bên trên để tránh những con bọ khác, đặc biệt là thằn lằn. Khi thằn lằn đẻ trứng trong tằm, tằm sẽ nở thành sâu bọ không nhả kén được. Hiện tại, ông Tuỵn đang nuôi tằm bằng khay trượt, bằng cách này sẽ hiệu quả vượt trội so với cách nuôi truyền thống. Không phải bê nong lên xuống, thời điểm tằm ăn rỗi cũng rất nhàn,( tằm ăn rỗi là ăn vào thời kỳ nó gần chín, cuối giai đoạn sâu tằm chuẩn bị nhả tơ làm kén để chuyển sang giai đoạn nhộng). Khi đó cứ việc cắt cả cành bỏ vào khay cho tằm ăn và sau một lứa mới phải vệ sinh (thay phân).
Nuôi tằm trên khay trượt tiết kiệm được nhiều diện tích, đảm bảo độ thông thoáng, tằm không bị bệnh, phát triển tốt.
Trao đổi với PV, ông Phan Đình Thắm - Chủ tịch hội nông dân huyện Ia Grai cho biết: "Mô hình trồng dâu nuôi tằm là một trong những mô hình phát triển sản xuất mới của huyện. Đây là mô hình mang lại hiệu quả kinh tế khá cao mà không cần vốn đầu tư lớn, phù hợp với túi tiền của nông dân. Mô hình trồng dâu nuôi tằm của gia đình ông Tuỵn đã mang lại hiệu quả khá cao. Tuy nhiên, chúng tôi cũng đã khuyến cáo bà con không nên trồng dâu ồ ạt, cần tìm hiểu kỹ trước khi nhân rộng. Hiện tại, hội nông dân huyện sẽ kết hợp cơ quan chức năng mở các lớp hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc dâu, nuôi tằm cho bà con. Bên cạnh đó sẽ phối hợp cơ quan chức năng liên hệ tìm đầu ra ổn định cho nông dân, giúp bà con yên tâm sản xuất.
Vườn dâu tằm của ông Tuỵn đã thưa lá dần vì tằm đã đến thời kỳ ăn rỗi
Theo Dân Việt
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn