Về xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà hỏi ông Nguyễn Văn Việt, không ai không biết đến bởi ông là người tiên phong đưa ngao Bến Tre về nuôi thành công tại Hà Tĩnh. Không những thế, mọi người còn gọi ông với biệt danh là “vua ngao”.
Đến với nghề này, ông Việt đã trải qua không ít khó khăn, nhưng nhờ sự cần cù, chịu khó, lòng quyết tâm cao nên cuối cùng sự thành công đã đến với ông. Nói về cơ duyên với con ngao, ông Nguyễn Văn Việt cho biết: Sau khi xuất ngũ về quê với hai bàn tay trắng, ông đã phải lăn lộn đủ nghề nhưng vẫn không đủ sống. Quê ông là vùng ven biển có cả một vùng bãi triều của đoạn sông chảy ra cảng Cửa Sót trước cửa nhà rộng mênh mông mà không ai biết làm gì để kiếm thêm thu nhập. Thế là, sau nhiều đêm suy nghĩ, tìm hiểu trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong đầu ông lóe lên ý tưởng cải tạo thành bãi nuôi ngao.
Thế nhưng khi đề cập tới việc nuôi ngao ở bãi triều thì vợ con cũng như dân làng ở đó đều ngăn cản. Ông cũng chia sẽ rằng, mọi người ngăn cản cũng có lý do vì bãi triều này bỏ hoang suốt nhiều năm, không ai dám nuôi gì vì sợ chỉ trận mưa bão là mọi thứ sẽ bị cuốn trôi ra biển. Nhưng trăn trở mãi về việc kiếm kế sinh nhai và không cam chịu đói nghèo, ông Việt đã quyết tâm thực hiện ý tưởng đó bằng cách khăn gói tạm biệt vợ con để ra các tỉnh phía Bắc học tập kinh nghiệm nuôi ngao.
Nghề nuôi ngao không chỉ giúp gia đình ông Việt có thu nhập cao mà còn tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương
Đầu năm 2000, ông Nguyễn Văn Việt trở về quê và bỏ tiền thuê bãi triều, bắt đầu thực hiện ý tưởng của mình và quyết tâm chinh phục đất nghèo. Lúc đó, mặc dù đã có một ít kinh nghiệm từ lý thuyết và thực tiễn tham quan các mô hình nuôi ngao, nhưng loại ngao ông Việt chọn làm giống là ngao địa phương, vốn chịu nhiệt kém nên được một thời gian thì chết.Toàn bộ số tiền 20 triệu đồng “khởi nghiệp” đổ xuống sông. Vào thời điểm khó khăn nhất ông vẫn không nản chí và được vợ con động viên giúp ông vực dậy tinh thần để quyết chí làm lại từ đầu.
Thế là ông quyết định quay ra Nam Định tiếp tục học hỏi và may mắn khi được biết các vựa ngao khu vực miền Bắc bắt đầu nuôi giống ngao Bến Tre – vừa dễ nuôi lại chịu nhiệt tốt hơn. Khi biết được điều này, ông phấn khởi và tin tưởng hơn về sự lựa chọn của mình. Không ngần ngại, do dự, khi quay về ông đã bắt xe vào Bến Tre tìm hiểu rồi lấy giống về nuôi thí điểm.
Đúng như vậy, giống ngao này sau một thời gian nuôi đã cho thấy phù hợp với thổ nhưỡng ở bãi triều nên lớn nhanh. Bao nhiêu vốn liếng của gia đình cộng với vay mượn từ người thân, ông Việt dồn cả vào giống ngao Bến Tre. Sau một năm rưỡi, ông Việt thu về gấp đôi. Thành công bước đầu như tiếp thêm nguồn động lực để ông tiếp tục theo đuổi niềm đam mê của mình. Thế rồi, hai vợ chồng quyết định cầm cố nhà cửa vay mượn 100 triệu đồng đầu tư. Sau khi thả giống, mặc dù đã thuê người canh bãi nhưng gần như ngày nào ông Việt cũng có mặt ở bãi nuôi, chăm từng chút một. Vụ nuôi ấy, ông Việt thu hoạch được 65 tấn ngao, trừ chi phí thuê nhân công và giống, lãi trên 300 triệu đồng.
Với bản tính kiên trì, chịu khó, ông luôn tìm tòi phương pháp nuôi và phòng chống dịch bệnh, nên diện tích nuôi ngao của ông Việt ngày càng tăng. Ngoài nuôi ngao Bến Tre, ông còn mạnh dạn đầu từ nuôi ngao nhớt, sò huyết Tiền Giang, vẹm xanh, đều mang lại cho ông nguồn thu nhập cao. Đến nay, số diện tích nuôi thủy sản của ông Nguyễn Văn Việt lên đến 15 ha.
Ngoài kinh nghiệm, ông luôn tuân thủ quy trình kỹ thuật, theo dõi con nước (thủy triều), nắm tình hình dịch bệnh, đảm bảo ngao luôn phát triển khỏe mạnh, ngao luôn chắc khỏe nên mỗi vụ thu hoạch, thương lái tìm tới tận nhà để thu mua.
Trong thời gian từ năm 2004 - 2009, gia đình ông lúc nào cũng thắng lợi, trung bình mỗi vụ, gia đình ông thu hoạch 150 – 200 tấn ngao, trừ chi phí, lãi ròng 500 – 600 triệu đồng. Nhờ vậy mà gia đình ông có điều kiện xây dựng lại cơ ngơi, nhà cửa đàng hoàng.
Vào năm 2010, do ảnh hưởng của trận lũ lịch sử ở Hà Tĩnh, bãi nuôi ngao gần tới ngày thu hoạch của gia đình ông bị nước cuốn trôi ra biển, thiệt hại ước tính 2 tỷ đồng. “Mọi công sức, cố gắng của gia đình đều đổ sông đổ bể, tiền trong nhà cũng gần như hết sạch”, Ông Việt nhớ lại thời điểm khó khăn.
Dường như, mỗi lần thất bại là mỗi lần ông lại bấm chí quyết tâm hơn. Vì vậy, sau lần bị lũ cuốn trôi ấy, ông Việt tiếp tục cải tạo lại bãi nuôi để thả lứa giống mới. Năm 2015, sản phẩm ngao của ông Việt được Bộ KH&CN công nhận nhãn hiệu ngao Hồng Việt. Một năm sau, ông Việt thành lập HTX ngao với 7 xã viên. Các thành viên trong HTX luôn được ông Việt chia sẽ kinh nghiệm và hướng dẫn tận tình về quy trình nuôi ngao nên mọi người rất yên tâm để làm việc và thu nhập khá ổn định.
Vài năm trở lại nay, có một số lần ngao bị chết do sự khắc nghiệt của thiên nhiên nhưng với sự đam mê và ý chí không bao giờ khuất phục khó khăn nên “vua ngao” Nguyễn Văn Việt chưa từng suy nghĩ sẽ từ bỏ. “Nghề nào cũng vậy, có khi lên, khi xuống, nhưng biết kiên trì, chịu khó, nắm bắt cơ hội thì trời không để mình thiệt”, ông Việt tự nhủ.
Ông Phạm Trọng Hợp - Phó Chủ tịch UBND xã Mai Phụ cho hay: Ông Nguyễn Văn Việt là người tiên phong nuôi ngao Bến Tre ở địa phương. Từ thành công của ông Việt, nhiều người dân trong vùng đã học hỏi kinh nghiệm nuôi từ ông, cũng mạnh dạn đầu tư nuôi ngao và đã thành công. Tới nay, toàn xã có 80 ha nuôi ngao của 36 hộ dân. Với việc chỉ phải bỏ tiền giống và công chăm sóc, không phải lo chi phí thức ăn, đây là một trong những nghề mang lại thu nhập cao cho người dân./.
Theo Nguyễn Hoàn/sonongnghiep.hatinh.gov.vn