Là học sinh trường chuyên Lê Hồng Phong (TP HCM), rồi đạt học bổng toàn phần sang Mỹ. Đến lúc cầm trên tay tấm bằng Thạc sĩ Tài chính với số điểm cao, Lê Bình Nguyên – chàng trai sinh năm 1987, thay vì làm việc ở một tập đoàn toàn cầu với mức lương cao, đã quyết định chọn về nước khởi nghiệp với nông trại chuối.
“Sau khi tốt nghiệp thạc sĩ tôi có vào làm việc ở một công ty về thang cuốn, rồi được cử sang Đài Loan quản lý dự án. Tại đây tôi gặp gỡ các chuyên gia nông nghiệp nước này. Họ giới thiệu cho tôi giống chuối mà nhu cầu thị trường đang cần, trong khi đó các nước phát triển dường như không còn quỹ đất để trồng nên đây cơ hội khiến tôi quyết định bén duyên với nông nghiệp”, Nguyên bộc bạch.
Mỗi năm nông trại chuối của Nguyên xuất 1.000 tấn sang thị trường Nhật và Hàn Quốc. |
Nguyên cho hay, khi bắt tay vào khởi nghiệp, anh phải sang Đài Loan để nghiên cứu học hỏi các chuyên gia nông nghiệp về cách chăm sóc, chọn quỹ đất, chọn giống và quy trình thu hoạch gần 6 tháng. Sau khi phân tích, chàng trai này nhận thấy, giống chuối Cavendish (chuối già Nam Mỹ) thích hợp với khí hậu ổn định, nhiệt độ quanh năm 25 - 33 độ C nên đã huy động vài tỷ đồng thuê 30ha đất cải tạo, rồi sử dụng hệ thống tưới tiêu tự động để cung ứng nguồn nước và chất dinh dưỡng đầy đủ cho cây.
“Với 30 ha này tôi thuê 20 nhân viên, trong đó có 10 kỹ sư chuyên về nông nghiệp để chăm sóc. Giống chuối này quy trình chăm sóc cũng khá giống so với các loại chuối thông thường ở Việt Nam. Tuy nhiên, để xuất khẩu được thì từ lúc trồng cho đến thu hoạch phải được quản lý chặt chẽ. Lứa chuối đầu tiên sẽ phải mất 11 tháng mới cho trái, lứa thứ hai trở đi chỉ gần 6 tháng”, Nguyên chia sẻ.
Để đảm bảo lượng hàng xuất khẩu có quanh năm, nông trại của Nguyên chọn trồng theo hình thức cuốn chiếu. Sản lượng không quá nhiều cũng không quá ít, mỗi tuần xuất một container (16 - 20 tấn) đi Hàn Quốc hoặc Nhật Bản. Tới nay, sau hơn một năm tổng sản lượng chuối của Nguyên xuất sang hai thị trường này lên tới 1.000 tấn. Dự kiến, thời gian tới anh sẽ mở rộng diện tích, bởi nhu cầu của thị trường rất lớn. Chỉ cần sản phẩm đạt chất lượng thì đầu ra luôn ổn định.
Chia sẻ khả năng tạo đầu ra cho sản phẩm, Nguyên cho biết, trước khi trồng đã tìm kiếm và trò chuyện với khá nhiều đối tác nước ngoài về dự án. Khi bắt tay vào làm, toàn bộ nhật ký trồng trọt Nguyên đều minh bạch và chi tiết từng công đoạn. Sau đó, gửi cho đối tác xem xét, rồi qua tham quan và kiểm tra trong thời gian khá dài. Để quan sát thị hiếu thị trường, vụ thu hoạch đầu tiên họ xuất thử hàng đi, sau đó, nếu chuối được thị trường chấp nhận mới bắt đầu ký kết lâu dài.
Khách Nhật, Hàn khá khó tính nên 30 ha chuối của Nguyên được sản xuất quy củ và khép kín. Giống để trồng phải chọn cây không mang mầm bệnh. Khi cây ra buồng, toàn bộ thuốc bảo vệ thực vật phải ngưng hoàn toàn. Sau khi buồng trổ nải thì phải vặt hoa, xử lý những trái hư, vẹo để buồng được đồng đều. Sau đó dùng tấm lót giữa các nải để bảo vệ, tránh sự va chạm. Sau khi hoàn tất các chi tiết thì tiến hành “mặc áo” cho cả buồng để các vi sinh vật bên ngoài không thể xâm nhập.
Đến thời điểm thu hoạch, các kỹ sư tại trang trại sẽ dùng dụng cụ đo độ tuổi để kiểm tra, đồng thời phân loại cho thị trường xuất khẩu và trong nước. Để bảo đảm trái chuối không bị va đập trong quá trình thu hoạch, Nguyên xây dựng hệ thống ròng rọc trên cao để treo sản phẩm rồi lau bụi bẩn. Sau đó cho vào khu chăm sóc “spa” để khử khuẩn, rồi “tắm” lại bằng nước tinh khiết. Sản phẩm được vận chuyển sang khu làm khô, rồi được cân đưa vào túi nylon, hút chân không, xếp vào thùng, cho vào kho lạnh chờ ngày xuất ngoại...
Định hướng về tương lai, Nguyên cho biết sẽ mở rộng diện tích, xâm nhập thị trường Trung Đông. Cùng với đó là nghiên cứu giống cây trồng mới để tạo sự đa dạng.
Thi Hà/vnexpress.net
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn