Từ bỏ việc làm ổn định có thu nhập cao ở thành phố Nguyễn Đại Lợi về quê xây dựng xưởng cán tôn, kinh doanh sắt thép xây dựng phục vụ cho nhân dân trong vùng.
Nguyễn Đại Lợi tốt nghiệp loại ưu chuyên ngành kế toán, Trường Đại học Thương mại Hà Nội. Nhiều năm làm việc ở thủ đô với mức lương khá ổn định, nhưng năm 2019, anh vẫn quyết định về lập nghiệp trên chính quê hương của mình.
Nhận thấy nhu cầu sử dụng vật liệu xây dựng ở địa phương khá cao, Lợi quyết định đầu tư xưởng cán tôn mang tên Đại Lợi để phục vụ người dân địa phương và các vùng lân cận với tổng số vốn đầu tư 2 tỷ đồng. Ngoài ra, anh cũng kinh doanh thêm các mặt hàng sắt thép xây dựng.
Tôn lợp các loại - sản phẩm chủ lực của xưởng cán tôn Đại Lợi đã dần có chỗ đứng trên thị trường và ngày càng đa dạng hóa sản phẩm phục vụ cho nhu cầu của thị trường.
Lúc đầu khởi nghiệp, Lợi gặp không ít khó khăn, nhất là về nguồn vốn đầu tư mở xưởng, thị thường tiêu thụ sản phẩm… nhưng với quyết tâm dám nghĩ, dám làm, anh đã lặn lội đi khắp các công trình xây dựng, nhà thầu, thợ cơ khí để tiếp thị, giới thiệu sản phẩm.
Với phương châm vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm và vốn để mở rộng sản xuất, mặc dù xưởng cán tôn của anh Lợi chỉ mới hoạt động hơn 1 năm, nhưng nhờ uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý, nên các loại sản phẩm của xưởng được khách hàng tin dùng.
Doanh thu năm 2019 đạt 5 tỷ đồng, dự kiến năm 2020 sẽ tăng lên gấp đôi, tạo công ăn việc làm thường xuyên cho 7 lao động địa phương, với thu nhập từ 6 - 7 triệu đồng/người/tháng.
Anh Nguyễn Đại Lợi: “Sắp tới tôi sẽ mở rộng nhà xưởng lắp đặt thêm một giây chuyền sản xuất tôn lạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân”.
Anh Lợi chia sẻ: “Ở quê tôi, muốn mua tôn lợp, sắt thép xây dựng người dân phải xuống trung tâm huyện lỵ cách hàng chục km, vì thế tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng xưởng cán tôn để phục vụ nhân dân vùng thượng huyện Đức Thọ và các xã vùng hạ của các huyện Vũ Quang, Hương Sơn. Thời gian tới, tôi sẽ mở rộng nhà xưởng lắp đặt thêm một dây chuyền sản xuất tôn lạnh để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân".
Dây chuyền cán tôn tự động được đầu tư lắp đặt để phục vụ cho việc sản xuất thuận lợi và rút ngắn thời gian, tiết kiệm được nhân công
Anh Bùi Văn Nam - chủ doanh nghiệp xây dựng trên địa bàn huyện Đức Thọ cho biết: “Sản phẩm tôn thép, xà gồ của xưởng cán tôn Đại Lợi rất đa dạng, giá cả cạnh tranh đáp ứng được thị hiếu của người dân. Hơn nữa, với phương châm kinh doanh hết sức khéo léo, luôn tôn trọng khách hàng, biết khách hàng cần để phục vụ của chủ xưởng nên khách hàng như chúng tôi rất thoải mái khi hợp tác với anh Lợi”.
Không chỉ sản xuất tôn lợp, anh Lợi còn kinh doanh các loại sản phẩm sắt thép xây dựng phục vụ thêm nhu cầu của người dân
Bên cạnh việc tích cực tham gia phát triển kinh tế, anh Lợi còn thường xuyên tham gia các hoạt động Đoàn, Hội LHTN. Bằng những kinh nghiệm vốn có trong quá trình phát triển kinh tế, anh luôn sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm với các thanh niên có khát vọng và ý tưởng làm giàu trên quê hương mình.
Từ mô hình như của anh Lợi, nhiều thanh niên trong vùng đã có thêm niềm tin trong phát triển kinh tế bằng những ngành nghề mới.
Tự động hóa, cơ giới hóa trong các khâu sản xuất đã giúp cho Nguyễn Đại Lợi tiết kiệm được chi phí và rút ngắn thời gian trong sản xuất kinh doanh.
Anh Võ Khắc Thức - Bí thư đoàn xã Tân Dân cho biết: “Anh Nguyễn Đại Lợi là thanh niên dám nghĩ, dám làm. Không chỉ sớm thành công với quyết định có phần hơi mạo hiểm của mình, anh Lợi còn tạo công ăn việc làm cho nhiều thanh niên ở địa phương có việc làm và thu nhập ổn định”.
Theo Đức Phú/baohatinh.vn
Những tin cũ hơn