Thầy Sơn chia sẻ niềm vui với những khách hàng có cùng sở thích khi thuần hóa được giống lan quý là phi điệp
Gần Tết Nguyên đán, khu vườn của thầy Nguyễn Nam Sơn ở thôn Trung Hòa, xã Tân Lâm Hương luôn nhộn nhịp khách. Đó là những người tìm đến mua lan, là bạn bè cùng chung sở thích gặp gỡ để cùng trao đổi, chia sẻ kinh nghiệm trong việc trồng và chăm sóc các loại lan quý hiếm.
Chơi lan, đặc biệt là thuần hóa lan rừng đòi hỏi sự đam mê
24 năm gắn bó với sự nghiệp giáo dục, trong đó có 15 năm ở cương vị phó hiệu trưởng, nhưng việc trồng lan, thầy Sơn mới bắt đầu chưa lâu.
Thầy Sơn cho biết: “Trồng lan với tôi như một cơ duyên vậy. Cách đây 3 năm, một người bạn ở Đà Lạt gửi biếu tôi một giò lan rừng. Cũng từ đó, trồng lan, chăm sóc lan đối với tôi đã trở thành niềm đam mê. Tôi bắt đầu mày mò học hỏi kiến thức và sưu tầm các loại lan để thuần hóa và ghép”.
Thầy Sơn rất kiên trì tìm tòi các kiến thức về trồng lan từ các viện nghiên cứu, kinh nghiệm từ các thành viên của hiệp hội trồng lan khắp các tỉnh, thành (được chia sẻ qua mạng xã hội). Dù không ít lần đối mặt với thất bại nhưng thầy Sơn vẫn không từ bỏ đam mê.
Thầy Sơn tỉ mẩn, kiên trì chăm sóc các loại lan
“Chơi lan cũng có rất nhiều cách, riêng tôi thích nhất là việc thuần hóa, bảo tồn vầ nhân giống các loại lan rừng. Bởi lan rừng có hương thơm tự nhiên, màu sắc cũng rất đẹp. Tuy nhiên, việc thuần dưỡng cũng hết sức khó khăn, bởi quá trình vận chuyển đường dài cũng khiến cây hoa bị kiệt sức, cây cũng dễ nhiễm vi khuẩn và hay bị sốc nhiệt.
Lan rừng có hương thơm tự nhiên, màu sắc rất đẹp
Thế nhưng, lan rừng sau khi thuần lại có một sức sống rất mãnh liệt. Đặc biệt, điều hạnh phúc và thỏa mãn nhất của người chơi lan đó là khi thuần dưỡng thành công một giò hoa mới, những mệt mỏi hay áp lực của cuộc sống đều được trút bỏ khi trở về với vườn lan” - thầy Sơn chia sẻ.
3 năm vừa nghiên cứu mày mò học hỏi, vừa áp dụng kiến thức vào thực tiễn, thầy Sơn đã thuần hóa thành công 45 loại lan rừng. Trong đó có 16 loại thuộc dòng đơn thân như: Nghinh xuân, giáng hương, tam bảo sắc, hồ điệp rừng, hải âu, hải yến, lan đuôi sóc, đuôi chồn, cẩm báo... và 29 loại hoa ở dòng đa thân như: Phi điệp, hạc vỹ, long tu, trầm tím, trầm vàng, vảy rồng, trúc mành, hỏa hoàng cam, đại ý thảo...
Nhiều khách hàng đến với vườn lan của thầy Sơn để lựa chọn cho mình những giò hoa ưng ý
Lúc đầu, thầy Sơn trồng vài chục giò để chơi. Sau đó, thấy nhiều người đến xem, hỏi mua nên thầy đã quyết định từng bước xây dựng vườn lan trở thành sản phẩm hàng hóa. Với hơn 500 triệu đồng, mảnh vườn của thầy đã được đầu tư khá bài bản với hệ thống nhà giàn, màng lưới bao phủ, hệ thống tưới tự động…
Vườn lan của thầy Sơn dần trở thành sản phẩm hàng hóa
Sau 3 năm, đến nay, vườn lan nhà thầy Sơn đã có tới cả nghìn giò lan với 40 chủng loại khác nhau. Đặc biệt, thầy đang thí điểm nhân giống các loại lan rừng đột biến quý hiếm như phi điệp, giã hạc…
Những giò lan nghinh xuân sai nụ và bắt đầu bung nở
Anh Nguyễn Trường Giang (thôn Thắng Hòa, xã Tân Lâm Hương) cho biết: “Làm nghề xây dựng nhưng tôi cũng có chung niềm say mê trồng lan. Chính vì thế, không chỉ là khách hàng của anh Sơn mà những lúc rảnh rỗi là tôi lại tranh thủ đến với vườn lan của anh để học hỏi kinh nghiệm”.
Một số loại lan rừng đã được thầy Sơn thuần hóa
Những ngày cuối năm, khi những giò lan nghinh xuân bắt đầu bung nở, khách hàng lại tìm đến với vườn lan của thầy Sơn ngày càng nhiều. Dự định sắp tới của thầy là sẽ mở rộng diện tích của nhà lưới để có thể nhân thêm nhiều giò lan mới.
Theo Thúy Ngọc - Anh Tấn/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn