Từ UBND xã Trường Xuân A, chạy men theo con đường cặp bờ sông khoảng 2 cây số là có thể dễ dàng tìm được nhà ông Thi. Ngôi nhà nổi bật lên so với xung quanh bởi sự khang trang, rộng rãi, kế bên là một công ty vật tư nông nghiệp có tiếng trong huyện. Khi chúng tôi đến, ông Thi đang “chỉ đạo” nhân công vác lúa vào kho. “Năm nay lúa có giá lắm. Đầu vụ tôi bao tiêu lúa Jasmine cho bà con với giá 4.800 đồng/kg, nhưng tới nay giá tăng nên tôi mua lên 5.200 đồng/kg”, ông vui vẻ cho biết.
Vốn xuất thân là nông dân nên ông Thi hiểu được cảnh vất vả một nắng hai sương và cả niềm vui của bà con khi lúa bán được giá. Ông tâm sự: “Hơn 20 năm trước, lúc mới lập gia đình ra riêng, vợ chồng tôi khổ dữ lắm. Cha mẹ nghèo nên con cái phải tự lập mới có cái ăn. Cũng may ông bà cho được 5 công đất ruộng. Thời điểm đó nông dân chỉ làm mỗi năm một vụ nên đủ gạo ăn là mừng, đâu có dư mà bán”. Để nuôi mấy đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn, ông quyết định mua thêm chiếc ghe để đi bán cá. Nhờ việc buôn bán thuận lợi, sau 5 năm, ông tích góp mua thêm 1,5 ha đất trồng lúa.
Dù đất canh tác đã mở rộng nhưng ông vẫn duy trì việc mua bán cá vì nghề này giúp ông có thêm thu nhập. Trong quá trình đi buôn, ông thấy ở nhiều nơi, nông dân trồng 2 vụ lúa xen lẫn 1 vụ cá mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên ông muốn học hỏi áp dụng trên ruộng mình. Sau 2 vụ lúa, ông bắt đầu nuôi cá chép và liên tục trúng mùa trúng giá. Từ đó, mô hình này được ông duy trì đến nay.
Chia sẻ với bà con nông dân
Sau khi có của ăn của để, ông Thi tiếp tục mua thêm đất để mở rộng diện tích trồng lúa, nuôi cá. Hiện ông đang sở hữu 6 ha đất lúa, với năng suất trung bình vụ đông xuân từ 9 - 10 tấn/ha, vụ hè thu 7 - 8 tấn/ha, thu lãi mỗi năm khoảng 400 triệu đồng. Riêng mô hình cá chép trên ruộng lúa cũng mang về cho ông lợi nhuận 150 triệu đồng/năm. “Nông dân làm lúa 3 vụ sẽ không có thời gian cho đất nghỉ ngơi. Nếu làm 2 vụ lúa - 1 vụ cá, đất sẽ có thời gian tích trữ phù sa cho vụ sau, nông dân đỡ tốn phân bón mà năng suất cũng cao hơn”, ông Thi nói.
Đặc biệt, ông là người rất ham học hỏi những kỹ thuật sản xuất tiên tiến. Ông cho rằng chỉ có sản xuất lúa chất lượng cao, canh tác khoa học theo khuyến cáo của ngành nông nghiệp thì lúa mới chín đều, cho ra hạt gạo ngon. Khoảng 10 năm nay, ông luôn chọn giống lúa chất lượng cao để gieo sạ và giảm lượng lúa giống từ 30 kg/công xuống còn 18 kg/công để giảm chi phí phân bón, hạn chế lúa đổ ngã nhưng đạt năng suất cao hơn. Ông chia sẻ: “Những lớp tập huấn của ngành nông nghiệp rất quan trọng vì cán bộ sẽ hướng dẫn nông dân các kỹ thuật mới để áp dụng trên đồng ruộng. Tôi đã làm theo và thấy rất hiệu quả, tiết kiệm được hàng chục triệu đồng so với canh tác truyền thống”.
Thấy nông dân thường chịu cảnh bị thương lái ép giá khi tới mùa thu hoạch rộ, ông Thi đã mạnh dạn đứng ra bao tiêu gần 50 ha lúa cho bà con trong vùng, giá luôn cao hơn thị trường từ 100 - 200 đồng/kg. Ông cho biết lúa mua của bà con, ông thuê nhân công thu gom đem phơi rồi trữ trong kho hoặc xay thành gạo. Đợi đến khi được giá thì bán ra thị trường, thu lời từ 300 - 400 triệu đồng/vụ. Bên cạnh sản xuất, ông còn mở cửa hàng vật tư nông nghiệp, tạo công ăn việc làm cho lao động địa phương.
Ông Nguyễn Văn Hóa, Chủ tịch Hội Nông dân xã Trường Xuân A, nhận xét: “Ông Thi là nông dân sản xuất giỏi điển hình tại địa phương vì bên cạnh làm giàu cho mình, ông còn hợp đồng mua lúa cho các hộ dân trong vùng, giúp bà con có đầu ra ổn định. Ngoài ra, ông nổi tiếng là người thích làm từ thiện, mỗi năm đóng góp khoảng 100 triệu đồng làm cầu, lộ giao thông nông thôn”.
Thanh Nhàn/thanhnien.vn