Dù mới "bén duyên" với vùng đất Hương Trà được một thời gian ngắn nhưng cây thanh long đang phát huy lợi thế trên vùng đất đồi, bước đầu cho hiệu quả kinh tế cao cho người dân nơi đây.
Thanh long là cây trồng mới được người dân xã Hương Trà (Hương Khê) du nhập về trồng từ năm 2011, thời gian đầu chỉ có một số hộ trồng, tận dụng thân cây các loại sẵn có trong vườn, cọc hàng rào cho thanh long leo. Nhận thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long đã cho thu nhập gấp nhiều lần so với một số cây trồng khác, nhiều hộ dân đã tập trung đầu tư hàng trăm triệu đồng để trồng thanh long bước đầu cho hiệu quả cao.
Mô hình trồng thanh long đã nâng cao thu nhập cho hộ ông Nguyễn Nhật Tân thôn Tây Trà, xã Hương Trà.
Năm 2013, gia đình ông Trần Nhật Tân trồng thử nghiệm 2,5 sào thanh long kết hợp với duy trì các loại cây truyền thống như cam, chanh, bưởi... Bước đầu do chưa có kinh nghiệm, tỷ lệ cây sống đạt thấp, không nản lòng, ông tích cực tìm hiểu kỹ thuật trồng, chăm sóc thanh long và qua tham quan học tập kinh nghiệm những mô hình trồng thanh long cho hiệu quả kinh tế cao ở các tỉnh về áp dụng khoa học kỹ thuật nên cây thanh long ít sâu bệnh, cho quả nhiều, quả đều, năng suất cao. Nhận thấy cây thanh long cho hiệu quả kinh tế cao, ông Tân tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích thêm 18 sào, nâng tổng số diện tích trồng thanh long trong trang trại lên đến 1,2 ha. Năm nay, vụ thu hoạch đầu tiên có 500 trụ cho quả lứa đầu, mỗi trụ cho thu khoảng 15kg, cho thu nhập 50 triệu đồng, từ năm thứ 2 trở đi có thể đạt 30-35 kg/trụ, với giá bán trung bình từ 25 - 35.000 đồng/kg, trừ chi phí cho thu lãi 120 triệu đồng/ha, tăng gần 2 lần so với trồng các loại cây ăn quả khác. Chia sẻ kinh nghiệm với chúng tôi ông tân cho biết: “Đất trồng thanh long cao ráo, dễ thoát nước, cây cách cây từ 1-1,2 m, hàng cách hàng 3 m x3 m để tiện chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh, thường xuyên tỉa cành, tạo tán....”
Nhiều hộ dân xã Hương Trà không chỉ trồng thanh long trong vườn mà đã chuyển đổi diện tích trồng cây lâm nghiệp cho hiệu quả thấp sang trồng cây thanh long, với quy mô lớn. Các hộ cải tạo vườn tạp, đưa giống thanh long ruột đỏ và áp dụng kỹ thuật nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất. Đến nay toàn xã có 30 hộ đã cải tạo vườn tạp, đầu tư cột trụ bê tông trồng thanh long, tiêu biểu như: hộ ông Trần Nhật Tân, Phan Văn Tuý, Phan Văn Việt, Đinh Tiến Sỹ... Tâm sự với chúng tôi ông Phan Văn Tuý cho biết, cây thanh long gần giống cây xương rồng nên dễ trồng, không đòi hỏi nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh...”. Tuy đầu tư ban đầu là khá lớn từ 150-170 ngàn đồng/sào (gồm cột trụ bê tông, giống, công trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bênh), trồng khoảng một năm rưỡi là cho thu hoạch, thời gian thu hoạch từ 9 -10 năm, ông Phan Văn Tuý cho biết thêm.
Thành công mô hình trồng thanh long mở ra hướng đi mới cho người dân xã Hương Trà.
Ông Phan Thế Hòa, Chủ tịch UBND xã Hương Trà cho biết: Sau gần 2 năm triển khai trồng, có thể khẳng định cây thanh long phát triển tốt trên đất Hương Trà. Hiện nay, quả thanh long chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng của người dân thị trấn và các vùng lân cận. Hiệu quả của cây thanh long trên đất Hương Trà đã mở ra hướng đi mới cho người dân nơi đây, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng, phát triển kinh tế gia đình, góp phần nâng cao thu nhập trong tiến trình thực hiện Chương trình xây dựng NTM, đưa Hương Trà xây dựng vững chắc xã đạt chuẩn NTM tiêu biểu theo lộ trình đề ra./.
Ngô Thắng