Thời điểm này về vùng đất Quỳ Hợp (Nghệ An) nắng nóng như chảo lửa, thế nhưng khi đặt chân vào trang trại của chị Võ Thị Ngọc ở xóm Tâm Mỹ, xã Tam Hợp với hơn 2.200 gốc dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Nhật Bản mọi mệt nhọc đã được xua tan.
Vườn dưa lưới to tròn, căng mọng và cho chất lượng rất tốt của chị Ngọc. Ảnh: Mỹ Hà
Huyện miền núi Quỳ Hợp có khí hậu khá khắc nghiệt so với các nơi khác, vì vậy bà con nông dân ở đây đang có sự thay đổi đầu tư đưa mô hình trồng dưa lưới công nghệ Nhật về địa phương. Nhận được sự động viên từ UBND huyện Quỳ Hợp, chị Võ Thị Ngọc đã mạnh dạn tiên phong triển khai mô hình trồng 2.200 gốc dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ Nhật Bản với tổng kinh phí đầu tư trên 200 triệu đồng, trên diện tích 1.000 m2 trồng rau quả kém hiệu quả.
Lần đầu tiên dụng công nghệ Nhật Bản trên vùng đất khô cằn, chưa có nhiều kinh nghiệm, chưa xử lý được hết các bất cập của vùng mưa nắng thất thường nên chị còn gặp nhiều khó khăn Tuy nhiên dù mới được đưa vào trồng thử nghiệm nhưng mô hình thâm canh giống dưa lưới của chị Ngọc đã mang lại hiệu quả kinh tế cao, cho năng suất chất lượng vượt trội, được người tiêu dùng ưa chuộng. Dưa lưới được trồng từ tháng 3.2018 đến nay cho thu hoạch vụ đầu tiên đạt năng suất cao mỗi quả có trọng lượng trung bình từ 1,5 - 2,5 kg, bình quân từ 45 - 60 tấn/ha.
Mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng theo công nghệ Nhật Bản của chị Ngọc tại Quỳ Hợp đã thu hút nhiều người dân về tham quan học tập. Ảnh: Mỹ Hà
Chia sẻ với phóng viên Dân Việt, chị Ngọc cho biết: “Trước đây gia đình tôi trồng nhiều loại rau nhưng hiệu quả kém, thu nhập rất thấp thấp, thậm chí đất cằn cỗi phải bỏ hoang. Tuy nhiên khi nhận được sự hỗ trợ và động viên của địa phương, tôi đã bàn bạc với gia đình chuyển sang trồng dưa lưới trong nhà màng theo công nghệ của Nhật Bản, ban đầu mọi người cũng phản đối ghê lắm, vì chưa am hiểu sợ thất bại mang thêm nợ".
Cũng theo chị Ngọc, sau khi được tập huấn, chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc dưa lưới theo công nghệ cao, gia đình tôi đã bỏ ra 300 triệu đồng đầu tư nhà lưới, cơ sở hạng tầng. Cùng với đó tôi mày mò học hỏi thêm qua mạng internet cũng như mô hình của các hộ đi trước ở các huyện Yên Thành, Con Cuông.
"Tôi bảo với chồng không làm thì làm sao biết thành công hay thất bại được, mà có thất bại mới đi tới được thành công nên vợ chồng bắt tay vào triển khai. Tuy đây mới chỉ là vụ thử nghiệm đầu tiên trồng dưa lưới trên diện tích 1.000 m2, sau 3 tháng, vườn dưa cho năng suất khoảng 3 tấn và giá sỉ bán tại vườn từ 40.000 - 50.000 đồng/kg; trừ chi phí gia đình lãi khoảng 80 triệu đồng”- chị Ngọc vui vẻ nói.
Chị Ngọc chia sẽ: Việc áp dụng trồng dưa lưới trong nhà màng vừa giúp chắn mưa vừa ngăn côn trùng xâm nhập, giúp giảm chi phí sản xuất (do không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật để phòng trừ côn trùng gây hại). Dù vốn đầu tư ban đầu theo mô hình tương đối cao nhưng bù lại dưa cho năng suất cao, chất lượng trái tốt, bán được giá, lợi nhuận thu được cao nên khả năng thu hồi vốn đầu tư ban đầu nhanh.
Trồng dưa lưới trong nhà màng mang lại hiệu quả kinh tế cao nên nhiều bạn trẻ cũng đã tự tìm đến học hỏi kinh nghiệm từ chị Ngọc để triển khai. Ảnh: Mỹ Hà.
Ông Vi Thành Vinh - Phó Phòng Kinh tế hạ tầng huyện Quỳ Hợp cho biết: "Từ kết quả bước đầu của mô hình dưa lưới trồng trong nhà màng của gia đình chị Ngọc, ước tính mô hình sản xuất dưa lưới mang lại thu nhập cho bà con từ 300 - 350 triệu đồng/ha; mở ra hướng chuyển đổi sinh kế bền vững cho bà con nông dân vùng đất Tam Hợp. Rút kinh nghiệm từ khâu chọn giống, gieo trồng, chăm sóc và phòng trừ sâu bệnh để vụ hè thu sắp tới người dân địa phương nâng cao hiệu quả, đồng thời nhân rộng mô hình sản xuất hiệu quả này.” “Tôi hi vọng mô hình này được nhân rộng trong thời gian tới, để bà con có cuộc sống khấm khá và ổn định hơn”-ông Vinh cho biết thêm.
Mỹ Hà/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn