“Năm 2008, tôi cùng vợ bàn bạc và quyết tâm sẽ dùng quỹ đất của gia đình để phát triển kinh tế vườn đồi. Khó khăn nhất lúc này là định hướng còn khá mơ hồ, trong khi đất vườn không có quy hoạch, phần lớn diện tích vẫn là đất hoang, cây dại mọc che cả lối đi, cao hơn mặt người…” – anh Thái chia sẻ.
Lúc đầu, vốn không có nhiều, vợ chồng anh chỉ dám quy hoạch trồng cam trên diện tích chưa tới 1 ha. Do kinh nghiệm làm vườn hạn chế, giống cây kém, 2 vợ chồng trầy trật, bỏ công chăm bón mãi nhưng cam cho quả ít, không đạt chất lượng lại rất dễ dính sâu bệnh nên phải nhổ bỏ hết.
Không nản chí với hướng đi đã lựa chọn, vợ chồng anh lại tất bật làm đủ nghề để vừa nuôi sống gia đình, vừa tích góp vốn làm lại từ đầu. Với quyết chí làm giàu, anh cất công đi tìm hiểu kỹ thuật trồng cam khắp nơi, nghiên cứu thêm sách vở và học hỏi các kỹ sư nông nghiệp nhằm tích lũy kinh nghiệm, không dẫm lại “vết xe đổ” năm xưa.
“Cũng phải mất gần 5 năm, tôi mới đủ tự tin để tái khởi động chương trình làm vườn. Lúc này, nhân lực không có, vợ lại phải đi học và chăm con nhỏ nên một mình tôi phải cáng đáng hết mọi công việc, từ phát quang bụi rậm, đào hố, trồng và chăm sóc cây cam… Điều khó khăn nhất lúc đó là trang trại chưa có đường vào nên không thể huy động máy xúc, máy đào để san lấp đất, mở rộng thêm diện tích. Tôi đành phải thuê thêm người, làm thủ công mất gần 1 năm mới khai khẩn thêm 1,5 ha đất đồi” - anh Thái nhớ lại.
Trên diện tích này, anh trồng cam và xen canh những loại rau, củ, quả có thời gian thu hoạch ngắn ngày. “Lấy ngắn nuôi dài”, anh từng bước đầu tư mở rộng hết diện tích sẵn có của gia đình. Sau bao nhiêu cố gắng, đến nay, trang trại của anh đã có gần 1.000 gốc cam chanh, cam bù, mỗi năm cho thu hoạch gần 20 tấn cung cấp ra thị trường.
Nhận thấy cây bưởi Phúc Trạch và hồng vuông đang có giá trị kinh tế cao trên thị trường, anh và vợ tiếp tục mở rộng quỹ đất trồng thêm 100 gốc bưởi, gần 200 gốc hồng vuông. Từ đó, đa dạng các loại cây trồng của trang trại, giảm thiểu rủi ro trong kinh doanh.
Không dừng lại ở đó, với sức trẻ và tinh thần ham học hỏi, biết được nhu cầu mua các loại cây giống ngày càng cao, anh đã mạnh dạn mở vườn ươm. Hiện nay, trên diện tích hơn 1.500 m2, anh đã ươm được hơn 2 vạn cây giống với đủ chủng loại: Bưởi Phúc Trạch, cam chanh, cam bù, mít thái, hồng vuông… vừa để phục vụ việc phát triển trang trại, vừa cung cấp cho bà con các huyện Thạch Hà, Can Lộc, Hương Khê…
Năm 2017, vợ chồng anh đã đăng kí với xã Ngọc Sơn tham gia mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, trồng cam bằng biện pháp sinh học, hữu cơ nhằm đảm bảo an toàn cho người sử dụng. Nhờ đó, năng suất và chất lượng sản phẩm đều tăng lên, khẳng định thêm định hướng đúng đắn của vợ chồng anh.
Từ hai bàn tay trắng, vợ chồng anh Thái trở thành mô hình kinh tế điển hình của những người trẻ biết vươn lên làm giàu trên mảnh đất quê hương.
Theo Thái Oanh/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn