Vườn mẫu chuyên ươm giống của gia đình ông Đinh Phúc Tiến (xã Hương Trà, Hương Khê) doanh thu hơn 1 tỷ đồng/năm.
Từ chủ trương đúng...
Phong trào cải tạo vườn tạp đã được thực hiện từ những năm 90 của thế kỷ trước. Tại thời điểm đó, chủ yếu chặt bỏ tràn lan, việc đưa cây, con giống sản xuất thiếu thông tin nguồn gốc nên đã dẫn đến tình trạng “trồng trước, chặt sau”; phát triển vườn vừa không có quy hoạch, thiết kế, vừa hạn chế trong việc ứng dụng tiến bộ KHKT; đặc biệt là thiếu sự chỉ đạo đồng bộ, chưa có bộ tiêu chí cụ thể, vì vậy, hiệu quả kinh tế vườn đạt thấp.
Theo số liệu điều tra kinh tế vườn của Hội Làm vườn và Trang trại Hà Tĩnh, năm 2007, thu nhập từ kinh tế vườn chỉ chiếm 36% tổng thu nhập kinh tế hộ, tỷ lệ vườn hoang chiếm tỷ trọng cao (khoảng 30%) trong tổng số vườn hộ
Với quan điểm chỉ đạo xuyên suốt trong xây dựng NTM là “vườn mẫu đẹp, nhưng phải có hiệu quả kinh tế”, đến nay, toàn tỉnh có 6.500 vườn xây dựng vườn mẫu, trong đó, 1.300 vườn đạt chuẩn, trên 300 vườn cơ bản đạt chuẩn theo 5 tiêu chí.
“Châm ngòi” cho phong trào xây dựng vườn mẫu là những khu vườn được đầu tư, xây dựng bài bản, khoa học tại các thôn: Nam Trà (Hương Trà, Hương Khê), Tân An (Cẩm Bình, Cẩm Xuyên), Hà Thanh (Tượng Sơn, Thạch Hà)... Sau hơn 1 năm triển khai tổ chức sơ kết, nhiều khu dân cư được chỉnh trang, nhiều vườn hộ đã được cải tạo, phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế khá rõ nét, có sức lan tỏa nhanh.
Mô hình vườn mẫu bà Nguyễn Thị Cử, thôn Hà Thanh xã Tượng Sơn (Thạch Hà) |
Quá trình triển khai xây dựng vườn mẫu đã làm chuyển biến nhận thức, ý thức của người nông dân tại các địa phương về phát triển kinh tế, chỉnh trang nhà ở, xây dựng hàng rào xanh, bảo vệ môi trường. Từ đó, tăng thêm mối đoàn kết trong cộng đồng dân cư và huy động được sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong xây dựng NTM; làm mẫu hình cả trong tổ chức thực hiện, phương pháp, cách làm trong xây dựng NTM. Đồng thời, tạo ra diện mạo mới trong các khu dân cư về kinh tế, cảnh quan; thay đổi tập quán sản xuất của người dân từ tự cung, tự cấp sang tư duy sản xuất hàng hóa, kết nối với thị trường…
Vườn cây ăn quả của hộ anh Nguyễn Trọng Anh - chị Phan Thị Thu ở thôn Kim Ngọc, xã Thạch Châu đầy tiềm năng về kinh tế
... đến hiệu quả thiết thực
Sau khi được xã cho đi tham quan học tập mô hình vườn mẫu tại các địa phương cùng với sự tiếp sức từ chính sách hỗ trợ của tỉnh, bà Phan Thị Lộc (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc) đã bắt tay cải tạo, quy hoạch khu vườn trên 2.500 m2, đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho các loại rau, củ, quả (cải, su hào, dưa các loại), tưới nhỏ giọt đối với cây ăn quả (cam, bưởi...), xây dựng mương thoát nước nội vườn, giàn che nắng cho các loại cây giống... để mùa nào cây đó.
Đặc biệt, trên diện tích hơn 200 m2, bà đã làm nhà lưới để sản xuất giống rau (su hào, bắp cải, mướp...), bởi loại rau này dễ trồng, thời gian quay vòng nhanh, dễ tiêu thụ. Có những thời điểm, mỗi ngày, gia đình bà Lộc thu nhập 500-600 ngàn đồng. Từ những mô hình của gia đình bà Lộc đã lan tỏa đến hàng chục hộ tại thôn Hồng Lĩnh và các hộ trên địa bàn xã.
Để phát huy hiệu quả kinh tế vườn, từng hộ phải có thiết kế quy hoạch (2D, 3D), lập phương án - dự toán triển khai thực hiện (có tư vấn của cán bộ chuyên môn xã, huyện, tỉnh và các chuyên gia), đảm bảo sự phát triển bền vững, phù hợp thực tiễn cả về kinh tế, văn hóa, môi trường định hướng phát triển đảm bảo tính bền vững; cây, con được bố trí hợp lý gắn với phát triển các sản phẩm chủ lực của tỉnh, phù hợp lợi thế của địa phương; một số vườn hộ đã áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, đưa lại hiệu quả cao. Các vườn chủ yếu tập trung quy hoạch trồng một số sản phẩm chính tạo hàng hóa và đều dành diện tích trồng rau an toàn áp dụng quy trình sản xuất VietGAP, sản xuất nông nghiệp hữu cơ...
Vườn ươm của gia đình chị Phạm Thị Tính (thôn Hồng Lĩnh, xã Vượng Lộc, Can Lộc) với hơn 5.000 bầu cây các loại.
Hiệu quả kinh tế vườn hộ ngày càng được nâng cao, góp phần tăng thu nhập đáng kể cho người dân. Theo số liệu khảo sát bước đầu tại các khu vườn mẫu, thu nhập bình quân/vườn đạt 51,4 triệu đồng (27,2 triệu đồng/1.000 m2, gấp 4 lần trồng lúa); nhiều vườn cho hiệu quả kinh tế cao, đạt trên 300 triệu đồng/vườn.
Mới đây, trong kết luận tại hội nghị Văn phòng điều phối NTM các cấp năm 2017, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã khẳng định: Vườn mẫu là một trong 3 nội dung quan trọng nhất cần tập trung triển khai, nhân rộng trong toàn quốc (cơ cấu lại ngành nông nghiệp, xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vườn mẫu và mỗi làng mỗi sản phẩm của Quảng Ninh).
Theo: Ngô Thắng - Bá Tân/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn