Chè được xem là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương ở Hà Tĩnh
Những năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về đẩy mạnh tái cơ cấu ngành nông nghiệp, Hà Tĩnh đã tập trung chuyển đổi bộ giống chè theo hướng có năng suất, chất lượng cao; đầu tư thâm canh, mở rộng diện tích chè tập trung, liên kết theo chuỗi giá trị.
Đến nay, diện tích chè liên kết giữa hộ nông dân với Công CP Chè Hà Tĩnh đạt 1.103 ha, tăng 21,5% so với năm 2013. Công ty cổ phần Chè Hà Tĩnh liên kết sản xuất với các hộ dân theo mô hình khép kín từ cung ứng giống, hỗ trợ kỹ thuật và thu mua sản phẩm đến chế biến, xuất khẩu. Sản phẩm chè đen là một trong 12 mặt hàng xuất khẩu của tỉnh, đã xuất sang các nước Trung Đông, châu Âu...
Năm 2017, sản lượng chè liên kết đạt 1.560 tấn, doanh thu xuất khẩu đạt hơn 3,8 triệu USD.
Chè được xem là cây trồng chủ lực của nhiều địa phương, đặc biệt là ở xã Thượng Lộc (Can Lộc). Vào những thời điểm như tết Nguyên đán, giá chè tăng nên người dân có nguồn thu nhập khá. Chi phí đầu tư thấp, lại cho hiệu quả kinh tế cao nên người dân mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng để tăng thu nhập.