Ông Lê Sỹ Sơn đã biến vùng đồng đất chua phèn thành trang trại nuôi cá cho thu nhập cao
Năm 2017, gia đình ông Lê Sỹ Sơn ở thôn Làng Chùa, xã Thuần Thiện quyết định đấu thầu 10ha diện tích mặt nước vốn là vùng đồng trũng bỏ hoang của thôn nuôi cá. Bạn bè, người thân ai cũng can ngăn, bởi đây là vùng mặt nước nhiễm chua phèn đã bỏ hoang nhiều năm nay, cây lúa không mọc được. Gần 1 tỷ đồng đầu tư cải tạo môi trường, ngăn hồ, đắp bờ… nhưng cả 3 lứa cá đầu tiên thả xuống đều chết trắng.
Không nản lòng, bố con ông lại miệt mài với việc đo độ phèn, độ chua, tính lượng mưa, thời tiết… để khắc phục. Lứa cá thứ 4 với những giống cá truyền thống như trắm, chép, mè được thả xuống vào cuối năm 2017 ở 4 hồ đã mang đến kết quả khả quan. Đến nay mỗi năm gia đình ông cũng đã có nguồn thu trên trăm triệu đồng từ nuôi cá.
Cùng chung ý tưởng chuyển hướng phát triển kinh tế, năm 2017 ngoài việc duy trì một số loại cá truyền thống như trắm, trôi, chép, mè, gia đình anh Thái Đăng Định ở làng K130, xã Tiến Lộc đã thử nghiệm nuôi thêm các loại có hiệu quả kinh tế cao như: Cá diêu hồng, cá lóc đầu nhím, nuôi ếch trên diện tích mặt nước 3ha. Năm 2018 anh còn cải tạo lại chuồng nuôi lợn trước đây để làm 20 bể ươm cá giống.
Từ mô hình nuôi cá, mỗi năm anh Định đã có nguồn thu nhập “khủng”
Anh Định cho biết: “Đến nay trung bình mỗi năm gia đình tôi bán ra thị trường hơn 50 tấn cá lóc nhím, cá diêu hồng, 20 tấn cá các loại khác, 2 tấn ếch; cung cấp mỗi năm gần 60 vạn con cá giống các loại. Thu nhập bình quân trên 2,5 tỷ đồng”.
Từ những vùng đồng trũng nhiễm mặn, hoang hóa, thời gian qua huyện Can Lộc đã chú trọng khai thác tiềm năng, lợi thế về diện tích mặt nước để phát triển nuôi trồng thủy sản. Đây cũng là giải pháp góp phần chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp nông thôn theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần xóa đói giảm nghèo, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người nông dân.
Ông Phan Cao Kỳ - Giám đốc Trung tâm Chuyển giao KHKT Giống cây trồng vật nuôi huyện cho biết: “Thời gian qua, huyện đã áp dụng chính sách hỗ trợ cho bà con nông dân về cải tạo, làm mới ao hồ. Diện tích 0,3ha trở lên được hỗ trợ 50% cá giống, trong đó đặc biệt những hộ nuôi cá chất lượng cao có hộ được hỗ trợ 100%. Hiện tại, huyện cũng đang triển khai công trình đầu tư nâng cấp hệ thống hạ tầng kỹ thuật Trại cá giống Tiến Lộc để đa dạng hóa con giống, chủ động phục vụ nguồn cá giống trên địa bàn toàn huyện và các huyện lân cận”.
Trại cá giống Tiến Lộc đa dạng hóa con giống, chủ động phục vụ người nuôi trên địa bàn
Đến thời điểm hiện tại, Can Lộc đã hình thành được 4 vùng nuôi trồng thủy sản tập trung gồm: Hói Nhà Nòi tại xã Khánh Lộc với 24 ha, Đồng Vựng tại xã Tiến Lộc với 58 ha, Đồng Sau tại thị trấn Nghèn với 13,7 ha, vùng Làng Chùa tại xã Thuần Thiện với 9 ha.
Cùng với phát triển các mô hình nuôi trồng theo hình thức truyền thống, Can Lộc đang chỉ đạo một số địa phương triển khai nuôi cá lồng bè, phát triển các loài thủy sản có hiệu quả kinh tế cao.
Ông Nguyễn Chỉ Tùng, Phó Chủ tịch UBND xã Tùng Lộc cho biết: “Chúng tôi đang động viên bà con chuyển đổi một số diện tích đất trũng, nhiễm phèn nhiễm mặn sang nuôi cá. Ngoài ra, xã còn phát huy lợi thế của các tuyến sông Nghèn và sông Én bao quanh, tăng cường nuôi cá lồng bè… Đến nay, trên khu vực 2 con sông này đã có trên 20 hộ nuôi cá lồng bè, tập trung ở các địa phương như: thị trấn Nghèn, Tùng Lộc, Thiên Lộc”.
Theo Anh Thư - Minh Đông/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn