Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long nhấn mạnh, hoạt động của ngành mang nhiều tính chất đặc thù nên khi xây dựng chương trình kế hoạch phải cân nhắc, có sự phân kỳ để thực hiện khả thi hơn
Sở VHTT-DL hiện có 9 phòng, ban và 10 đơn vị sự nghiệp trực thuộc với 240 biên chế. Đảng bộ Sở có 15 chi bộ trực thuộc với 145 đảng viên. Trong 9 tháng qua, ngành đã cơ bản xây dựng hoàn thiện các quy hoạch, đề án phát triển đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành; đổi mới nội dung và hình thức trong công tác tuyên truyền, cổ động chính trị.
Đến nay, Hà Tĩnh có 1 di sản văn hóa phi vật thể nhân loại, 1 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia, 2 di tích quốc gia đặc biệt, 73 di tích quốc gia, 366 di tích cấp tỉnh. Hệ thống di tích và các di sản văn hóa đang được trùng tu, tôn tạo, nghiên cứu bảo tồn và phát huy hiệu quả. Phong trào Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ngày càng phát triển sâu rộng.
Công tác tuyên truyền phục vụ các ngày lễ lớn, các nhiệm vụ chính trị của tỉnh; xúc tiến, quảng bá du lịch được đẩy mạnh. 9 tháng qua, lượng khách du lịch đạt trên 1 triệu lượt người (tăng 29,5% so vơi cùng kỳ năm 2013), khách quốc tế ước đạt gần 18.100 lượt người.
Hoạt động thể thao và chất lượng phong trào thể thao quần chúng ngày càng nâng cao rõ rệt; thể thao thành tích cao có bước phát triển, giành 65 huy chương các loại (14 HCV, 23 HCB, 28 HCĐ).
Bên cạnh những kết quả đạt được, ngành VHTT-DL còn gặp không ít khó khăn như: hệ thống thiết chế văn hóa, thể thao, du lịch chưa đáp ứng yêu cầu; nhiều di sản xuống cấp nghiêm trọng; hoạt động du lịch, dịch vụ chưa tương xứng với tiềm năng; đội ngũ cán bộ toàn ngành còn thiếu và yếu, một số lĩnh vực khó tuyển chọn, đào tạo cán bộ…
Thông qua buổi làm việc, các đại biểu đã đưa ra ý kiến thảo luận, đóng góp cho từng ngành cụ thể nhằm nâng cao công tác quản lý, hệ thống thiết chế và hoạt động chuyên môn đặc thù cũng như đề xuất giải pháp trong thời gian tới.
Phát biểu tại buổi làm việc, Phó Bí thư Tỉnh ủy Lê Thành Long nhấn mạnh, hoạt động của ngành mang nhiều tính chất đặc thù nên khi xây dựng chương trình kế hoạch phải cân nhắc, có sự phân kỳ để thực hiện khả thi hơn, đồng thời tranh thủ tối đa xã hội hóa ở mọi lĩnh vực.
Đối với công tác quản lý di tích, di sản, cần có sự hệ thống hóa, rà soát và phân loại chi tiết, công khai; trong hoạt động thể thao cần chú trọng hơn nữa thể thao học đường; hoạt động du lịch phải tăng cường nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cũng như chuyên môn, phong cách phục vụ, khai thác có hiệu quả các sản phẩm du lịch…
Mai Phương
Nguồn baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn