Năm học 2017-2018, ngành GD&ĐT cả nước đã tập trung thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cơ bản như rà soát, quy hoạch, sắp xếp mạng lưới cơ sở giáo dục; đánh giá thực trạng chất lượng và triển khai kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo; tiếp tục nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin vào công tác giảng, dạy, quản lý…
Tuy nhiên, ngành GD&ĐT cũng phải đối mặt với những khó khăn, thách thức về điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giáo dục; chính sách cho giáo dục chậm điều chỉnh; chế độ, chính sách đãi ngộ đội ngũ nhà giáo chưa thu hút được nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành. Kỳ thi THPT Quốc gia vẫn còn xảy ra tình trạng gian lận trong khâu chấm thi ở một số địa phương
Tại Hà Tĩnh, năm học 2017 – 2018, quy mô trường lớp cơ bản vẫn ổn định. Ngành giáo dục tiếp tục triển khai nhiều giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học ở các bậc học; nâng cao năng lực lãnh đạo của cán bộ quản lý giáo dục; tăng cường các nguồn lực đầu tư cho giáo dục và đào tạo.
Việc coi thi, chấm thi, thanh tra, giám sát thi ở các cấp học được thực hiện đúng quy định. Đặc biệt, kỳ thi THPT Quốc gia được tổ chức đảm bảo an toàn, đúng quy chế. Kết quả tốt nghiệp THPT năm 2018 đối với học sinh THPT đạt 99%, học sinh giáo dục thường xuyên đạt 97,68%.
Năm học 2018-2019, ngành GD&ĐT tiếp tục triển khai 9 nhóm nhiệm vụ và 5 nhóm giải pháp cơ bản. Trong đó tập trung rà soát quy hoạch mạng lưới cơ sở GD&ĐT trong cả nước; nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, phân luồng và định hướng nghề nghiệp cho học sinh phổ thông; nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh; ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy, học và quản lý giáo dục; giao quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục đại học; phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao...
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam chỉ ra một số hạn chế, bất cập trong năm học vừa qua. Trong năm học mới, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GD&ĐT tiếp tục bám sát những nhóm nhiệm vụ mà Nghị quyết 29 khóa XI về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục đã đề ra. Đổi mới giáo dục cần phải có lộ trình từng bước cụ thể, phải theo xu thế của thế giới, đặc biệt đổi mới phải minh bạch, tạo được sự đồng thuận cao trong xã hội.
Cùng với việc chỉ đạo siết chặt công tác tổ chức thi cử, Phó Thủ tướng yêu cầu ngành GD&ĐT nắm bắt chính xác tình hình biên chế ở các địa phương, việc huy động nguồn lực để đầu tư trang thiết bị CSVC trường học, đẩy mạnh việc tự chủ ở các trường đại học.
Theo Thúy Ngọc/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn