Nuôi tôm trên cát trong điều kiện đủ
Năm 2018, diện tích nuôi tôm trên cát toàn tỉnh là 306 héc-ta với năng suất bình quân là 7 tấn/héc-ta, lợi nhuận bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng/héc-ta. Nửa đầu năm 2019, diện tích thả nuôi là 250 héc-ta, tập trung ở các địa phương ven biển Hà Tĩnh.
Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh Lê Đức Nhân: Nuôi tôm trên cát không chỉ cần có tài chính mà đòi hỏi cao về nguồn giống, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật.
Ông Lê Đức Nhân - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Tĩnh cho biết: Quy hoạch tổng thể về nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh được thực hiện bài bản, dựa trên cơ sở khoa học và được UBND tỉnh thẩm định. Với tỉnh ta thì tôm nuôi vẫn là sản phẩm chủ lực có giá trị kinh tế cao.
“Tuy vậy, tôm là đối tượng nuôi trồng khó, nếu chỉ có mỗi nguồn vốn dồi dào cũng chưa đủ mà đòi hỏi cao về chủ động nguồn giống, làm chủ công nghệ, khoa học kỹ thuật. Điều này chính là bước sàng lọc mà buộc nhà đầu tư muốn phát triển bền vững thì phải tuân thủ các quy hoạch, quy trình kỹ thuật khắt khe của ngành chuyên môn. Đồng thời, chính quyền địa phương phải là cơ quan giám sát, quản lý chặt quy hoạch về diện tích nuôi” - ông Nhân cho biết thêm.
Tuân thủ quy trình, áp dụng khoa học kỹ thuật, tôm nuôi trên cát vẫn là một sản phẩm chủ lực của nông nghiệp Hà Tĩnh
Chẳng thế, giữa giai đoạn khó khăn, nhiều mô hình nuôi tôm ở Nghi Xuân, Cẩm Xuyên, Lộc Hà, Kỳ Anh... được đầu tư bài bản, quy mô lớn đã mang hiệu quả kinh tế cao. Hiện, toàn tỉnh đã hình thành được 6 vùng nuôi tôm VietGap với quy mô 150 héc-ta, 14 mô hình nuôi an toàn sinh học.
Mô hình của HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành có năng suất tôm cao nhất tỉnh, bình quân đạt 30 – 35 tấn/héc-ta, thu về hàng chục tỷ đồng/vụ. Anh Hồ Quang Dũng - Giám đốc Kỹ thuật HTX Nuôi trồng thủy sản Xuân Thành cho biết: Toàn bộ diện tích hơn 12 héc-ta được chia thành 31 ao nuôi và 3 ao gièo. HTX không chỉ tuân thủ nghiêm ngặt về quy trình cải tạo ao đầm mà chất lượng con giống đặc biệt được chú trọng. Con giống phải có kích cỡ đồng đều, được cơ quan chuyên ngành kiểm dịch và kiểm tra các yếu tố môi trường trước khi thả nuôi”.
Giám sát chặt chẽ môi trường
Cách đây không lâu, sau sự việc hồ nuôi tôm của Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt xả nước thải chưa qua xử lý ra thẳng môi trường, Chi cục Bảo vệ môi trường (thuộc Sở TN&MT) Hà Tĩnh phối hợp với Phòng Cảnh sát Môi trường (Công an Hà Tĩnh) và UBND huyện Lộc Hà tiến hành kiểm tra, phát hiện công ty này tự ý lắp đặt một đường ống dẫn nước thải trực tiếp, nối từ trại tôm ra vùng biển Lộc Hà với chiều dài hơn 100m.
Công ty CP Xây dựng Tiến Đạt xả nước thải từ hồ tôm chưa qua xử lý ra thẳng môi trường bị xử phạt hàng trăm triệu đồng
Kết quả kiểm tra các mẫu nước cho thấy, thông số môi trường thông thường BOD5 quá 28,8 lần, vượt quy chuẩn kỹ thuật về chất thải theo QCVN 02-09-2014/BNNPTNT hơn 10 lần. Ngày 25/7/2018, UBND tỉnh Hà Tĩnh đã có quyết định xử phạt hành chính Công ty Cổ phần Xây dựng Tiến Đạt số tiền 435 triệu đồng về hành vi xả nước thải vượt quy chuẩn kỹ thuật ra môi trường.
Đây có lẽ là mức xử lý mạnh tay nhất từ trước tới nay trong việc vi phạm môi trường. Sự việc này cũng góp phần để doanh nghiệp từ bỏ nghề nuôi tôm và trở thành hồi chuông cảnh tỉnh cho các doanh nghiệp, cá nhân sai phạm khác.
Điều đáng nói, số doanh nghiệp, người dân vi phạm môi trường nuôi khá phổ biến nhưng xử lý lại chưa nhiều, thiếu sức răn đe.
Chạy theo lợi nhuận, nhiều cơ sở nuôi tôm vẫn đang coi nhẹ vấn đề đảm bảo môi trường
Ông Nguyễn Thành Chung - Chủ tịch UBND xã Kỳ Xuân (huyện Kỳ Anh) cho biết: “Liên quan đến việc HTX Bảo An Phú chưa có hồ sơ tác động môi trường và xả thải trực tiếp ra biển, huyện Kỳ Anh cùng xã đã tổ chức làm việc với HTX, yêu cầu khắc phục tình trạng xả thải làm ô nhiễm môi trường và hoàn thiện hồ sơ pháp lý về môi trường. Nếu không, chính quyền địa phương sẽ ra quyết định đóng hồ. Tuy nhiên, tiến độ khắc phục của HTX vẫn chậm”.
Nhìn nhận đúng vấn đề, thực tế, nguyên nhân là do việc giám sát, kiểm tra công tác bảo vệ môi trường ở các cơ sở nuôi tôm ven biển chưa được quan tâm đúng mức. Các địa phương cần được sự hỗ trợ, vào cuộc của sở, ngành liên quan như: Sở NN&PTNT, Sở Tài Nguyên và Môi trường trong việc hỗ trợ về pháp lý để xử lý vi phạm theo đúng pháp luật.
Diện tích quy hoạch tổng thể nuôi tôm trên cát đến năm 2020 được rà soát, điều chỉnh từ 980 ha xuống còn 694 ha để phù hợp thực tiễn
Mục tiêu đề án tái cơ cấu ngành NN&PTNT theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững gắn với xây dựng nông thôn mới, đến năm 2020, tỉnh phát triển 3.050 héc-ta nuôi tôm; sản lượng đạt trên 30.000 tấn. Phát triển tiềm năng kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, môi sinh là tạo thế đứng vững vàng cho ngành tôm nuôi Hà Tĩnh.
Theo Nhóm P.V/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn