Đây là hoạt động trong khuôn khổ Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP tại 03 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh”.
Tham dự lớp tập huấn này có 30 học viên là cán bộ quản lý thuỷ sản các cấp, các hộ nuôi tôm tiêu biểu của các huyện ven biển và thành phố Hà Tĩnh.
Tại lớp tập huấn, các học viên được truyền tải những kiến thức như: Lợi ích của nuôi tôm theo VietGAP; Bộ tiêu chí đánh giá VietGAP trong nuôi trồng thủy sản (gồm 104 tiêu chí); Xây dựng chương trình áp dụng VietGAP cho nuôi tôm chân trắng; Các tài liệu và hồ sơ VietGAP; Quy trình kỹ thuật nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP từ chuẩn bị ao nuôi, chọn và thả giống, quản lý thức ăn, môi trường, biện pháp phòng trị một số bệnh tôm thường gặp,…
Thông qua lớp tập huấn sẽ giúp các hộ nuôi tôm tiếp cận với các kiến thức cơ bản về quy phạm VietGAP trong nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh; hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc áp dụng VietGAP vào nuôi tôm thẻ chân trắng nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm, giảm thiểu tác động đến môi trường sinh thái, quản lý tốt sức khỏe động vật thủy sản, thực hiện trách nhiệm về phúc lợi xã hội và an toàn cho người lao động, truy xuất được nguồn gốc sản phẩm.
Trong quá trình tập huấn, giảng viên còn trao đổi và chia sẻ những kinh nghiệm trong nuôi tôm VietGAP đạt kết quả tại các địa phương trong cả nước.
Trước những đòi hỏi ngày càng cao về chất lượng của thị trường trong nước và xuất khẩu, việc phát triển và nhân rộng các mô hình sản xuất theo VietGAP là hướng đi đúng quy luật, đáp ứng yêu cầu ngày càng khắt khe của nền kinh tế thị trường trong thời kỳ hội nhập, phát triển của tỉnh nhà. Được sự hỗ trợ của Dự án “Xây dựng mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh theo VietGAP tại 03 tỉnh Quảng Trị, Quảng Bình, Hà Tĩnh”, năm 2019, tại Hà Tĩnh, dự án triển khai xây dựng mô hình “Nuôi tôm thẻ chân trắng theo VietGAP” tại HTX Nuôi trồng chế biến thuỷ sản xuất khẩu Xuân Thành, xã Xuân Phổ, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh với diện tích 1,5 ha.
Vì vậy, trong chương trình tập huấn, các học viên còn được tham quan mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng áp dụng VietGAP đạt hiệu quả kinh tế cao tại Hợp tác xã Nuôi trồng chế biến thuỷ sản xuất khẩu Xuân Thành, nhằm học tập những kinh nghiệm quý báu của HTX trong việc áp dụng Quy trình VietGAP vào sản xuất.
Trong thời gian 3 ngày, lớp tập huấn đã mang đến cho học viên những kiến thức cơ bản, nội dung rất thiết thực, giúp các học viên nâng cao kiến thức và kinh nghiệm trong việc nuôi tôm thẻ chân trắng thâm canh áp dụng VietGAP, góp phần phát triển hiệu quả bền vững nghề nuôi tôm tỉnh nhà./.
Theo Trần Hương/khuyennongvn.gov.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn