Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Hà Tĩnh Đặng Quốc Vinh tới dự và phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Sau hơn 5 năm, 2 đơn vị tiên phong thực hiện cơ chế tự chủ của Sở KH&CN là Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN và Trung tâm Kỹ thuật tiêu chuẩn đo lường chất lượng đã có những thành quả bước đầu, tạo ra những mô hình tổ chức, quản lý hiệu quả, có ý nghĩa thực tiễn định hướng chính sách phát triển các đơn vị sự nghiệp công lập.
Trong đó, có một số kết quả nổi bật như: Được quan tâm đầu tư, nâng cấp, hiện đại hóa cơ sở vật chất, kỹ thuật đáp ứng yêu cầu hoạt động KH&CN, phát triển KT-XH, QPAN của các địa phương; đổi mới tư duy lãnh đạo, điều hành và tổ chức hoạt động, mở rộng nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ KH&CN; tăng trưởng doanh thu, giảm chi phí, tự trang trải kinh phí chi thường xuyên, cải thiện nguồn trích lập các quỹ phục vụ phúc lợi và phát triển đơn vị sự nghiệp; tinh gọn bộ máy, tinh giản biên chế, nâng cao chất lượng đội ngũ, đổi mới cơ chế quản lý, cải thiện thu nhập cho người lao động...
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh và các đại biểu tham quan gian hàng KH&CN.
Nhờ được quan tâm đầu tư cơ sở vật chất, chủ động trong việc phát triển các loại dịch vụ, tăng trưởng hàng năm của 2 trung tâm đạt trên 20%. Nhờ đó, từ năm 2014 đến nay, các đơn vị đã thực hiện tốt việc tự chủ nguồn kinh phí chi thường xuyên, tiết kiệm ngân sách hơn 2 tỷ đồng, tạo cơ sở bước đầu phát triển thành các đơn vị tự chủ 100% chi thường xuyên và đầu tư hoạt động theo mô hình doanh nghiệp KH&CN.
Về đề án sản xuất phân hữu cơ vi sinh, từ khi triển khai đến nay, Hà Tĩnh đã sản xuất được 189.638 tấn phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp, giúp tiết kiệm được xấp xỉ 130 tỷ đồng tiền mua phân bón.
Việc ứng dụng chế phẩm sinh học còn góp phần xử lý môi trường chăn nuôi, khử mùi hôi thối, tiêu diệt các chủng nấm, vi sinh vật có hại nhằm giảm nguy cơ bùng phát dịch bệnh, tạo tạo môi trường chăn nuôi trong lành, an toàn.
Giám đốc Sở KH&CN Đỗ Khoa Văn: Sở sẽ tiếp tục đề xuất, thảo luận các giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai có hiệu quả các đề án.
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh cho rằng, trong thời gian thực hiện đề án, Hà Tĩnh đã sản xuất được một lượng lớn phân hữu cơ từ phụ phẩm nông nghiệp. Giúp hạn chế sử dụng phân hóa học, góp phần quan trọng trong bảo vệ môi trường.
Theo đánh giá, Hà Tĩnh là tỉnh có trình độ sản xuất chế phẩm tương đối tốt so với cả nước sau khi được đầu tư nhà xưởng, dây chuyền, thiết bị công nghệ hiện đại; đã đáp ứng kịp thời về số lượng, chất lượng chế phẩm cho các tổ chức, cá nhân có nhu cầu.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đặng Quốc Vinh: Các sở, ngành, địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai có hiệu quả nội dung các đề án.
Để tiếp tục phát huy hiệu quả đề án, đề nghị các sở, ngành liên quan và các địa phương tiếp tục quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thúc đẩy phong trào ứng dụng chế phẩm vi sinh trong sản xuất, bảo vệ môi trường trên phạm vi toàn tỉnh gắn với xây dựng NTM.
Ngành KH&CN tiếp tục quan tâm công tác đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật để người dân nắm bắt và vận dụng tốt vào thực tiễn. Nâng cao năng lực sản xuất chế phẩm, tìm kiếm, chuyển giao các công nghệ tiên tiến để đa dạng hóa, nâng cao chất lượng các loại chế phẩm sinh.
Về thực hiện cơ chế tự chủ, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị, thời gian tới, các ngành, các cấp rà soát, tham mưu tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh triển khai thực hiện cơ chế tự chủ đối với tổ chức KH&CN công lập và đơn vị sự nghiệp công lập nói chung trong toàn tỉnh.
Tham mưu chính sách đào tạo, bồi dưỡng nhân lực, đáp ứng yêu cầu về công nghệ của doanh nghiệp và của thị trường; có chính sách khuyến khích, hỗ trợ, thúc đẩy liên kết giữa nghiên cứu khoa học với sản xuất, kinh doanh...
Theo Dương Chiến/baohatinh.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn