Bà Nguyễn Thị Hồng Vụ trưởng Vụ Kế Hoạch, Chánh VP thường trực Ban chỉ đạo liên ngành tái cơ cấu Nông Nghiệp phát biểu khai mạc cuộc họp
Thực hiện Nghị quyết số 24/2016/QH14 của Quốc hội về kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế 2016 – 2020 và Nghị quyết số 01/NQ-CP năm 2017 của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế, xã hội và dự toán ngân sách nhà nước 2017, Bộ NN- PTNT đã xây dựng kế hoạch cơ cấu lại ngành nông nghiệp cho giai đoạn tiếp theo 2016 – 2020.
Ông Bùi Như Ý Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Vĩnh Phúc Phát biểu tham luận
3 năm tái cơ cấu đạt 120,7 tỷ USD xuất khẩu
Sau hơn 3 năm thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp đã thu được những thành quả nhất định góp phần duy trì và tăng trưởng sản xuất, kinh doanh của toàn ngành. Cụ thể, các địa phương đã thực hiện chuyển đổi thành công hơn 390.000ha lúa kém hiệu quả sang trồng ngô và cây trồng khác. Quy mô và số lượng các trang trại đã cải thiện đáng kể từ 9.377 trang trại (2013) lên 12.888 trang trại (2016). Trồng trọt và chăn nuôi áp dụng công nghệ cao được đẩy mạnh góp phần tăng đáng kể kim ngạch xuất khẩu các mặt hàng nông sản tới những thị trường lớn như Nhật Bản, Úc, Trung Quốc, Hồng Kông, Hoa Kỳ…Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng khá, giai đoạn 2013 – 2016 đạt 120,7 tỷ USD, trung bình mỗi năm tăng 1 tỷ USD.
Từ 2013 – 2015 mặc dù sản xuất gặp nhiều khó khăn nhưng vẫn duy trì tăng trưởng: tốc độ tăng GDP trung bình đạt 2,83%/năm; giá trị sản xuất toàn ngành tăng trung bình 3,41%/năm. Năm 2016 mặc dù gặp rất nhiều khó khăn nhưng vẫn đạt 1,36%. Chất lượng tăng trưởng được cải thiện, tỉ trọng giá trị gia tăng trong tổng giá trị sản xuất tăng từ 63,9% năm 2012 lên 64,7% năm 2013 và 67,8% năm 2014, 68% năm 2015. Thu nhập bình quân hộ nông dân tăng từ 73,2 tr.đồng/năm 2012 lên 97,6 tr.đồng năm 2015.
Cơ cấu lại ngành nông nghiệp thế nào?
Ông Nguyễn Xuân Dương, Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi cho rằng cần phải đảm bảo để không xảy ra mâu thuẫn giữa việc đưa công nghệ cao vào sản xuất và việc giải quyết công ăn việc làm cho người dân nông thôn. Theo ông Dương, nhờ công nghệ mà giá trị và sản lượng sản phẩm được cải thiện, tuy nhiên mặt trái của vấn đề đó là sẽ có một số lượng không nhỏ người nông dân mất việc làm do lao động chân tay bị thay bằng máy móc hay cắt giảm lao động nhờ những quy trình sản xuất tiên tiến, hiệu quả và tiết kiệm hơn...
Ông Nguyễn Xuân Dương Phó cục trưởng Cục Chăn Nuôi.
Về việc làm thế nào để nâng cao giá trị sản phẩm nông nghiệp sau chế biến, ông Dương cho rằng, Việt Nam là một cường quốc trong khối các nước Đông Nam Á về bò sữa, là quốc gia có sản lượng thịt lợn lớn. Tuy nhiên tính hiệu quả trong chế biến và tiêu thụ sản phẩm không cao do chưa đầu tư sâu vào các dây chuyền chế biến thực phẩm hiện đại. Cụ thể các sản phẩm có giá trị kinh tế cao như bơ, phô mai từ sữa bò, hay xúc xích, thịt hun khói từ thịt lợn vẫn còn khá khiêm tốn chưa đáp ứng được thị trường tiêu thụ khiến tính hiệu quả trong sản xuất và kinh doanh chưa cao.
Ông Bùi Như Ý, Phó giám đốc Sở NN-PTNT Vĩnh Phúc cho biết: Vĩnh Phúc đang gặp nhiều khó khăn trong việc thực hiện tích tụ đất đai, chuyển đổi đất trồng lúa khi người dân chưa thực sự hợp tác. Đơn cử ở một số xã trên địa bàn tỉnh nuôi bò sữa, người nông dân nơi đây sử dụng hầu hết diện tích đất trồng lúa để trồng cỏ cho bò ăn hoặc cũng có nơi người dân sử dụng toàn bộ đất trồng lúa để trồng chuối tiêu hồng bán cho các doanh nghiệp xuất khẩu.
“Vĩnh Phúc là tỉnh có tiềm lực kinh tế mạnh, nhưng có những vấn đề mà đơn thuần đổ tiền vào cũng khó có thể giải quyết được, vì nó còn liên quan đến an sinh xã hội và đời sống của người dân địa phương. Vì vậy vấn đề cốt lõi là cần có một cơ chế linh hoạt, hợp lý để có thể hỗ trợ nông dân và doanh nghiệp trong quá trình cơ cấu lại ngành nông nghiệp”, ông Ý nhấn mạnh.
Một số ý kiến tại Hội nghị cho rằng mục tiêu của Bộ về giải quyết khó khăn, tồn tại trong thời gian tới là rất rõ ràng. Tuy nhiên các bước thực hiện cần được cụ thể hóa hơn. Cần xây dựng những mốc thời gian cụ thể để có lộ trình thực hiện đối với những việc trọng tâm, như: Vấn đề về tích tụ ruộng đất, tái cơ cấu ngành trồng trọt và các vấn đề hỗ trợ cho vay, tín dụng đối với người nông dân…
Dựa trên những ý kiến đóng góp của những chuyên gia đầu ngành, dự thảo kế hoạch cơ cấu lại ngành Nông nghiệp sẽ sớm được hoàn thiện và trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, làm cơ sở triển khai thực hiện từ năm 2017 và giai đoạn tiếp theo.
Về cơ bản, ngành nông nghiệp sẽ tiếp tục được cơ cấu lại lấy nông dân làm chủ lực, doanh nghiệp làm tiên phong phát triển và mở rộng thị trường tiêu thụ trong nước và quốc tế. Việc cơ cấu lại ngành được xác định gắn bó chặt chẽ với phát triển kinh tế nông thôn, tạo thêm công ăn việc làm, nâng cao đời sống cho người dân. Bên cạnh đó việc đảm bảo tiết kiệm sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên, bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng chống thiên tai cũng là một trong những vấn đề trọng tâm cần đẩy mạnh thực hiện trong thời gian tới. |
Theo: TRẦN TRIỆU LONG - Báo nông nghiệp