Dự án trồng rừng ngập mặn giảm thiểu rủi ro thảm họa được triển khai tại Việt Nam từ năm 1994 do Hội Chữ Thập đỏ (CTĐ) Đan Mạch và Nhật Bản tài trợ. Trong khoảng thời gian 19 năm, dự án đã triển khai tại 33 huyện, 64 xã thuộc 10 tỉnh, thành gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hòa Bình, Vĩnh Phúc.
Toàn cảnh hội nghị |
Thông qua dự án, đã có trên 9.000 ha rừng được trồng qua các năm, và khoảng hơn 2,5 triệu người được hưởng lợi. Riêng ở Hà Tĩnh, thời gian qua cũng đã có gần 1.000 ha rừng ngập mặn được trồng mới và trồng dặm, hiện tỷ lệ sống chiếm gần 50%.
Trong năm 2014, các địa phương hưởng lợi đã tích cực trồng rừng theo kế hoạch, trong đó Ninh Bình trồng dặm thêm 24,6ha, Hòa Bình 15 ha; Hà Tĩnh tiến hành chăm sóc, bảo vệ 5ha tại Cẩm Dương (Cẩm Xuyên).
Ngoài ra, Hội CTĐ các tỉnh, thành phố cũng đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền về phòng ngừa, ứng phó thảm họa và các tác động của biến đổi khí hậu qua việc nâng cao kiến thức của cộng đồng, cán bộ chính quyền, giáo viên và học sinh tiểu học; tập huấn về sinh kế; nâng cao năng lực cho cán bộ CTĐ về quản lý dự án...
Bà Susan Fenton - đại diện Hiệp hội Trăng lưỡi liềm đỏ Quốc tế khẳng định tính bền vững của dự án, ghi nhận những nỗ lực của các địa phương trong việc triển khai thực hiện dự án trong 19 năm qua. |
Mặc dù vậy, việc triển khai dự án tại các địa bàn vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế như: nguồn kinh phí đối ứng của địa phương chưa đạt, định mức các hoạt động còn thấp, cán bộ dự án tại các địa phương phải kiêm nhiệm nên ảnh hưởng đến việc thực hiện các hoạt động dự án, công tác bảo vệ rừng ngập mặn ở nhiều nơi còn gặp khó khăn...
Để nâng cao hiệu quả dự án, thời gian tới các cấp Hội CTĐ tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận nhận thức cho người dân về giảm thiểu rủi ro, phòng ngừa thảm họa; phối hợp phê duyệt kế hoạch dự án rừng ngập mặn cho 10 tỉnh được hưởng lợi; tiếp tục khắc phục những hạn chế, khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện…
Theo baohatinh.vn