ĐVTN huyện Hương Sơn tham gia phát thực bì, làm đường băng cản lửa tại khu vực rừng thông ở xã Sơn Thủy (do BQL Rừng phòng hộ Sông Ngàn Phố quản lý). |
Công điện nêu rõ, các tỉnh miền Trung nói chung và Hà Tĩnh nói riêng đang trải qua 28 ngày nắng nóng gay gắt và kéo dài liên tiếp, nền nhiệt độ luôn ở mức cao 39°C - 40°C, cấp dự báo cháy rừng luôn ở cấp IV, cấp V (cấp nguy hiểm và cực kỳ nguy hiểm); riêng địa bàn các huyện: Kỳ Anh, Thạch Hà, Đức Thọ, Cẩm Xuyên, Vũ Quang, Hương Sơn đã có một số điểm phát lửa gây ảnh hưởng đến tài nguyên rừng nhưng chưa có cháy lớn xảy ra, tuy nhiên, theo cảnh báo của các chuyên gia về khí tượng thủy văn Trung ương, thời gian tới, Hà Tĩnh đang tiếp tục hứng chịu đợt nắng nóng kỷ lục nhất từ trước tới nay, nguy cơ cháy rừng luôn ở mức cực kỳ nguy hiểm.
Để chủ động phòng cháy, chữa cháy rừng (PCCCR), đảm bảo an toàn, tuyệt đối không để cháy rừng xảy ra, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã; Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ngành, cơ quan liên quan triển khai ngay các biện pháp cấp bách PCCCR theo Công điện khẩn số 2729/CĐ-BNN-TCLN ngày 03/4/2015 của Bộ NN&PTNT và Chỉ thị số 11/CT-UBND ngày 06/5/2015 của UBND tỉnh. Đặc biệt, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã chú trọng một số nhiệm vụ trọng tâm, cấp bách như: Chủ động tổ chức và chỉ đạo chính quyền địa phương, chủ rừng thường xuyên tổ chức tuyên truyền về công tác PCCCR, kịp thời cảnh báo về cấp dự báo cháy rừng đến mọi tầng lớp nhân dân để người dân biết, tham gia PCCCR có hiệu quả;
Kiểm tra, rà soát Phương án PCCCR của từng địa phương, đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, chủ động "4 tại chỗ" để kịp thời ứng cứu, chữa cháy rừng, phát hiện sớm, dập tắt ngay các điểm phát lửa khi mới phát sinh; bố trí trực gác 24/24 giờ tại các các vùng rừng trọng điểm có nguy cơ cháy cao để kiểm tra, giám sát chặt chẽ, tuyệt đối không để người dân không có trách nhiệm ra vào rừng;
Bất cứ vụ cháy rừng nào xảy ra, phải chỉ đạo công an cấp huyện chủ trì, phối hợp chủ rừng, chính quyền địa phương, lực lượng kiểm lâm khẩn trương điều tra, xử lý kịp thời, nghiêm minh các đối tượng gây ra cháy rừng theo quy định của pháp luật; đồng thời tuyên truyền cho người dân để răn đe, phòng ngừa;
Địa phương nào để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà phát hiện, báo cáo chậm, huy động lực lượng, phương tiện và tổ chức chữa cháy không đảm bảo thì Chủ tịch UBND địa phương đó phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.
Về phía các đơn vị chủ rừng: Rà soát lại phương án PCCCR của đơn vị; chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, trang thiết bị đảm bảo kịp thời chữa cháy rừng theo phương án "4 tại chỗ"; bố trí lực lượng trực gác 24/24 giờ để kiểm tra, giám sát người ra vào rừng; phát hiện sớm và huy động tối đa lực lượng, phương tiện dập tắt kịp thời các vụ cháy rừng khi mới phát sinh; trường hợp vượt quá khả năng, bất khả kháng phải báo cáo ngay với Ban Chỉ đạo cấp trên để kịp thời huy động lực lượng ứng cứu;
Dừng các hoạt động sản xuất, kinh doanh lâm nghiệp không đảm bảo an toàn PCCCR ở các khu rừng trọng điểm, nguy cơ cháy cao;
Đơn vị chủ rừng nào để xảy ra cháy rừng trên địa bàn mà không phát hiện, báo cáo và tổ chức "4 tại chỗ" cứu chữa kịp thời, phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật và Chủ tịch UBND tỉnh.
Giám đốc Sở NN&PTNT chỉ đạo Chi cục Kiểm lâm (Văn phòng Thường trực BCĐ về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh) thường xuyên theo dõi, cập nhật, thông báo về cấp dự báo cháy rừng; bố trí lực lượng trực 24/24 giờ để tiếp nhận thông tin về cháy rừng của các địa phương, chủ rừng; kịp thời báo cáo, tham mưu cho Ban Chỉ đạo tỉnh thực hiện việc tổ chức, chỉ huy và điều động lực lượng, phương tiện ứng cứu chữa cháy rừng theo Phương án số 1993/PA-UBND ngày 08/5/2015 của UBND tỉnh;
Phân công lãnh đạo và cán bộ bám sát địa bàn, thường xuyên kiểm tra chế độ trực canh gác lửa rừng 24/24 giờ của các địa phương, chủ rừng tại các khu rừng trọng điểm dễ cháy; kịp thời chỉ đạo, bổ cứu các giải pháp để chủ động trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng.
Thủ trưởng các đơn vị: Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng chủ động thực hiện Phương án số 1993/PA-UBND ngày 08/5/2015 của UBND tỉnh; sẵn sàng lực lượng, phương tiện để phối hợp, chữa cháy rừng kịp thời, hiệu quả khi có lệnh điều động. Đặc biệt, Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp huyện chủ trì, kịp thời tổ chức điều tra, xác minh, làm rõ nguyên nhân, đối tượng gây cháy rừng và xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.
Sở Thông tin và Truyền thông, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, Báo Hà Tĩnh chủ động phối hợp Chi cục Kiểm lâm (Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh) phát sóng liên tục các nội dung về PCCCR, cấp dự báo cháy rừng để người dân biết, chủ động, tự giác và thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng hiệu quả.
Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo về Kế hoạch bảo vệ và phát triển rừng tỉnh (Chi cục Kiểm lâm) thường xuyên túc trực 24/24 giờ để theo dõi, cập nhật, tổng hợp, thông báo tình hình thời tiết, cấp dự báo cháy rừng cho các cơ quan thông tin, báo chí, cơ quan chức năng và đơn vị có liên quan nhằm phục vụ công tác PCCCR; kịp thời tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh chỉ huy, điều động lực lượng tham gia chữa cháy rừng khi có cháy lớn xảy ra.
Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị UBMTTQ tỉnh, các cơ quan đoàn thể tăng cường tuyên truyền sâu rộng đến hội viên và mọi tầng lớp nhân dân về công tác PCCCR để người dân hiểu, chấp hành và thực hiện có hiệu quả.
Khi có cháy rừng xảy ra, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố, thị xã báo cáo kịp thời cho Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo tỉnh theo số điện thoại: 0913.045 299, 0393.855 571 để phối hợp chỉ đạo và huy động lực lượng ứng cứu kịp thời trong trường hợp cần thiết. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn