Lộc chăm sóc vườn cà chua đang chuẩn bị cho thu hoạch ẢNH: DUY TÂN
Nhận bằng kỹ sư công nghệ thực phẩm, Huỳnh Phú Lộc (29 tuổi, ngụ P.5, TP.Vĩnh Long, Vĩnh Long) vào làm việc cho các công ty thủy sản rồi chuyển sang làm kinh doanh. Trong khoảng thời gian làm kinh doanh, thiết kế lắp đặt các sản phẩm nhà lưới phục vụ sản xuất nông nghiệp sạch, nhận thấy xu hướng tiêu dùng các sản phẩm sạch, an toàn của người dân rất lớn nên Lộc quyết định khởi nghiệp và tự mình làm chủ.
Hiện mô hình của Lộc có 3 nhà lưới với quy mô 1.800 m2, chuyên sản xuất các loại rau quả sạch, an toàn theo công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel. Các sản phẩm chủ yếu như cà chua Hà Lan, cà chua đen Nga, dưa lưới Úc... được các siêu thị, chuỗi cửa hàng sạch ở ĐBSCL và TP.HCM thu mua với giá cả ổn định. Nhờ đó mỗi năm Lộc thu lãi hàng trăm triệu đồng
Lộc quyết định thuê 2.000 m2 đất tại P.5, TP.Vĩnh Long để đầu tư xây dựng nhà lưới sản xuất rau sạch theo chuẩn VietGAP. Tháng 10.2017, Lộc bắt tay vào làm nhà lưới. Nhờ kinh nghiệm thiết kế lắp đặt nhà lưới, Lộc đã tự mua vật liệu thi công nhà lưới và thiết kế với chi phí rẻ bằng 50% so với thuê đơn vị thi công. Với chi phí đầu tư 1.800 m2 nhà lưới tốn vỏn vẹn khoảng 600 triệu đồng.
Sau đó, Lộc tiến hành nghiên cứu kỹ thuật trồng cà chua và một số loại rau thông thường như dưa leo, xà lách, nhưng chủ yếu vẫn là chuyên canh cà chua Hà Lan. Để tránh rủi ro, Lộc dành 1.000 m2 trồng 2.500 cây cà chua, đến cuối vụ mỗi cây cho thu hoạch 4 kg trái. Trong năm, Lộc sản xuất 1 vụ cà chua, với giá bán dao động từ 35.000 - 40.000 đồng/kg, doanh thu khoảng 350 triệu đồng.
Song song đó, Lộc tiếp tục thử nghiệm trồng thêm dưa lưới. Vụ đầu tiên, Lộc thử nghiệm thành công trên 500 m2. Vụ thứ hai, Lộc mạnh dạn chuyển đổi tất cả diện tích sang trồng dưa lưới để cách ly mầm bệnh của cà chua. Đối với dưa lưới, chi phí bỏ ra đầu tư đầu mỗi vụ trên 70 triệu đồng, bình quân lãi khoảng 200 triệu đồng/vụ. Theo tính toán của Lộc, mỗi vụ dưa lưới thường kéo dài từ 2 đến 2 tháng rưỡi, nếu tính cả thời gian xử lý, cải tạo môi trường, cách ly mầm bệnh mỗi năm có thể trồng được 4 - 5 vụ.
Chỉ cần thông qua một chiếc điện thoại thông minh có kết nối mạng internet, các thiết bị cảm ứng và phần mềm điều khiển từ xa, Lộc có thể biết được vườn của mình. Từ các thiết bị cảm biến được đặt trong vườn, các thông tin về nhiệt độ, môi trường, độ ẩm, ánh sáng sẽ được gửi về điện thoại thông qua một chương trình ứng dụng. Cũng thông qua ứng dụng này, Lộc sẽ kích hoạt hệ thống tưới nhỏ giọt và bón phân từ xa mà không cần có mặt tại khu sản xuất.
Ngoài việc sản xuất tại nông trại của mình, Lộc còn nhiệt tình hướng dẫn cho bà con nông dân có nhu cầu chuyển giao công nghệ, tận tình chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp với nhiều bạn trẻ trong và ngoài tỉnh.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn