Ban tổ chức cuộc thi “Xây dựng ý tưởng tiêu dùng bền vững” vừa trao giải cho 3 bài dự thi xuất sắc, sáng tạo và có tính ứng dụng cao nhất. Cuộc thi là hoạt động cuối cùng của Chương trình “Hành trình xanh vì Việt Nam xanh”, thực hiện chiến dịch truyền thông quốc gia thuộc Dự án “Hỗ trợ tăng cường năng lực và đổi mới thể chế thực hiện tăng trưởng xanh và phát triển bền vững ở Việt Nam (CIGG)”. Cơ quan chủ quản Dự án là Vụ Khoa học, Giáo dục, Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Tái sử dụng giấy in
Giải nhất thuộc về đề án “Tái sử dụng giấy in viết làm vật liệu trang trí” (tác giả: Nguyễn Thị Thúy Hằng và Đào Thị Tuyết Nhung).
Theo tác giả, tỉ lệ thu hồi giấy đã qua sử dụng ở Việt Nam rất thấp, chỉ khoảng 34%, trong khi ở nhiều nước trong khu vực, tỉ lệ này là 65-78%. Tỉ lệ này ở Nhật Bản, Đức là 75-78% (gần tới mức tới hạn 80%). Như vậy, cứ 3 tờ giấy sử dụng, Việt Nam tái chế lại 1, còn 2 tờ thì dùng vào việc khác rồi được chôn lấp hay đốt bỏ, cả hai cách đều gây ô nhiễm môi trường. Và chúng ta đã và đang bỏ phí một nguồn tài nguyên quí giá.
Giấy đã qua sử dụng chiếm tới gần 70% tổng lượng nguyên liệu sản xuất giấy, phần còn lại là bột nguyên thủy (gỗ, phi gỗ). Tuy nhiên, Việt Nam chưa coi trọng nguồn nguyên liệu này; trong Quy hoạch phát triển Công nghiệp Giấy 2006 - 2010 và tầm nhìn 2020 đã không đề cập tới.
Tác giả tập trung vào việc tái chế nhóm: giấy dùng cho in, viết (giấy in báo, giấy in và viết…) và giấy dùng cho văn phòng (giấy fax, giấy in hóa đơn…).
Quy trình tái chế gồm 5 bước: Thu gom và phân loại giấy; Ngâm giấy với cồn để loại bỏ mực trên giấy và xay giấy thành hỗn hợp giấy đều và nhuyễn mịn; Tạo hỗn hợp: trộn hỗn hợp giấy với vôi đã được tôi kỹ và một số chất khác với một tỉ lệ nhất định để có được hỗn hợp như mong muốn; Tạo hình sản phẩm với khuôn đúc; Thu hoạch sau 4 - 5 ngày khi sản phẩm cứng lại. Lúc này sản phẩm có thể được miết lại cho mịn và sơn màu.
Làm sạch nước thải bằng rau muống
Giải nhì thuộc về đề án “Mô hình xử lý nước thải sinh hoạt bằng cây rau muống” (tác giả: Huỳnh Ngọc Thu Hương và Nguyễn Vũ Đức Thịnh). Chi tiết về đề án được trình bày trong đồ họa dưới dây.
Xử lý chất hữu cơ trong nước thải chăn nuôi
Giải ba thuộc về đề án “Nghiên cứu đánh giá khả năng xử lý chất hữu cơ tồn đọng trong nước thải chăn nuôi đã qua hầm biogas của than sinh học có nguồn gốc từ phế phẩm nông nghiệp (rơm rạ) (tác giả: Nguyễn Vũ Đức Thịnh).
Đề án kết luận: Vật liệu than sinh học có nguồn gốc từ rơm rạ với độ ẩm 4,985%, dung trọng 0,331g/cm3, chỉ số hấp phụ iot 1.358 mgI2/g, pH 7,6 đáp ứng tiêu chuẩn của vật liệu lọc.
Bên cạnh đó, nước thải chăn nuôi 2 tiếng sau khi xử lý biogas qua cột lọc có hiệu suất xử lý COD (nhu cầu ôxy hóa học) là 76%.
9 trạm dừng của Hành trình xanh vì Việt Nam xanh
Trong suốt quá trình thực hiện, “Hành trình xanh vì Việt Nam xanh” đã có 9 “trạm dừng” là các trường đại học: Kinh tế Quốc dân, Nông Lâm TPHCM, Bách khoa Hà Nội, Bách khoa TPHCM, Khoa học Xã hội và Nhân văn (Hà Nội), Huế, Bách khoa Đà Nẵng, Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM, Vinh.