Nhân dịp đầu Xuân Canh Tý 2020, phóng viên Báo Kinh tế nông thôn có cuộc trao đổi với ông Dương Văn Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Bắc Giang để hiểu thêm về cách làm của Bắc Giang.
Xin ông cho biết kết quả mà Bắc Giang đạt được trong tái cơ cấu ngành nông nghiệp đối với cây ăn quả những năm gần đây?
Sau hơn 5 năm tích cực thực hiện Đề án tái cơ cấu nông nghiệp, Bắc Giang đã đạt được nhiều kết quả tích cực, toàn diện trên các lĩnh vực: Tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất nông nghiệp bình quân giai đoạn 2013- 2019 đạt 3,32%/năm. Giá trị sản xuất bình quân đạt 105 triệu đồng/ha, tăng 45 triệu đồng so với năm 2013.
Tỉnh đã tập trung đẩy mạnh sản xuất theo hướng phát triển các cây trồng chủ lực (vải thiều, cây có múi...) với quy mô lớn, gắn với bảo quản, chế biến và tiêu thụ theo chuỗi giá trị.
Giai đoạn 2015-2019, tỉnh đã chỉ đạo chuyển đổi 5.083ha đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả; chuyển đổi gần 3.000ha vải thiều kém hiệu quả sang trồng cây ăn quả có múi có giá trị kinh tế cao. Giá trị sản xuất cây ăn quả chiếm tới 45% giá trị ngành trồng trọt.
Bắc Giang được đánh giá là tỉnh làm tốt công tác liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ. Ông có thể cho biết rõ hơn về kết quả mà tỉnh đạt được?
Sản xuất nông nghiệp hiện nay là sản xuất hàng hóa theo thị trường. Vì vậy, công tác liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng, quyết định tính bền vững trong sản xuất, đặc biệt là vai trò của doanh nghiệp trong việc kết nối sản phẩm đến với thị trường.
Bắc Giang đã hình thành nhiều mô hình liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ các sản phẩm như: Vải thiều Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế, mỳ Chũ, rau an toàn…
Để phát triển thương hiệu các sản phẩm chủ lực, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch phát triển thương hiệu sản phẩm nông nghiệp hàng hóa giai đoạn 2014-2020. Trong đó chỉ đạo tổ chức lại sản xuất từ quy mô nhỏ lẻ hộ gia đình sang phát triển sản xuất hàng hóa tập trung, quy mô lớn theo mô hình hợp tác xã, tổ hợp tác, hiệp hội sản xuất, trang trại, các doanh nghiệp tham gia liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ để nâng cao năng suất, chất lượng, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường. Phê duyệt các đề án như: Dự án mô hình thí điểm chuỗi liên kết chăn nuôi, tiêu thụ gà đồi Yên Thế; Đề án sản xuất rau theo tiêu chuẩn VietGAP; Đề án hỗ trợ phát triển sản xuất và tiêu thụ nấm gắn với ứng dụng công nghệ cao trên địa bàn tỉnh…
Trong triển khai thực hiện công tác liên kết, Bắc Giang xác định, cơ quan quản lý Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách thực hiện; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Các doanh nghiệp có vai trò chủ đạo trong việc định hướng thị trường, quyết định đến tính bền vững của chuỗi liên kết; giúp nâng cao lợi ích của các tác nhân tham gia chuỗi giá trị, đặc biệt là đối với nông dân.
Ngoài làm tốt khâu liên kết, Bắc Giang còn làm rất tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm. Xin ông cho biết rõ hơn về kết quả này?
Năm 2019, Diễn đàn kinh tế về sản xuất, tiêu thụ vải thiều và quảng bá các sản phẩm văn hóa, du lịch, nông sản chủ lực của tỉnh được tổ chức tại thành phố Bắc Giang. Ngay sau diễn đàn, tỉnh đã tổ chức kết nối đưa vải thiều vào chuỗi siêu thị Saigon.Coop khu vực miền Trung, miền Nam. Hội nghị xúc tiến tiêu thụ vải thiều, quảng bá các sản phẩm nông sản đặc trưng, chủ lực và các sản phẩm văn hóa, du lịch của tỉnh tổ chức tại thị Bằng Tường (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc).
Ngoài ra, UBND tỉnh còn chỉ đạo UBND huyện Yên Thế tổ chức Diễn đàn xúc tiến đầu tư nông nghiệp, du lịch và tiêu thụ gà đồi Yên Thế; UBND huyện Lục Ngạn tổ chức Tuần lễ vải thiều và Diễn đàn kết nối sản xuất, tiêu thụ vải thiều và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn tại Hà Nội, tổ chức Hội chợ cam, bưởi và các sản phẩm đặc trưng Lục Ngạn...
Cùng với tổ chức sự kiện, các hoạt động xúc tiến thương mại, hội nghị kết nối cung cầu, hội chợ triển lãm, tổ chức kết nối đưa nông sản hàng hóa của tỉnh vào các siêu thị, trung tâm thương mại, chợ đầu mối thường xuyên được quan tâm thực hiện.
Đặc biệt, tỉnh vừa phê duyệt Đề án tổ chức gian hàng giới thiệu và bán các sản phẩm chủ lực, đặc trưng, tiềm năng của Bắc Giang tại Thủ đô Hà Nội. Gian hàng được khai trương đầu tháng 12/2019 và sẽ duy trì hoạt động thường xuyên nhằm cung ứng các sản phẩm an toàn, bảo đảm chất lượng, rõ nguồn gốc phục vụ nhu cầu của người tiêu dùng Thủ đô và du khách.
Do làm tốt công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm nên trong những năm qua, nông sản hàng hóa của Bắc Giang, nhất là những sản phẩm chủ lực có sản lượng lớn như vải thiều, gà đồi Yên Thế, cam bưởi Lục Ngạn... luôn được tiêu thụ thuận lợi với giá cả ổn định ở mức cao, không có tình trạng “được mùa, mất giá”.
Năm 2019, có thời điểm giá vải thiều của Bắc Giang lên tới trên 70.000 đồng/kg, giá trị từ vải và các dịch vụ phụ trợ đạt trên 6.300 tỷ đồng, là năm đầu tiên vải thiều được xuất chính ngạch sang Trung Quốc.
Xin ông cho biết, Bắc Giang đã làm những gì để đạt được kết quả nói trên?
Năm 2019, lần đầu tiên vải thiều Bắc Giang được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc. Tiêu thụ vải thiều thuận lợi, giá bán duy trì ở mức cao từ đầu vụ đến khi kết thúc, giá trung bình 31.800 đồng/kg, có thời điểm giá lên tới trên 70.000 đồng/kg; giá trị từ sản xuất vải thiều và các dịch vụ phụ trợ đạt trên 6.300 tỷ đồng.
Để có được kết quả trên, ngay từ năm 2018, UBND tỉnh Bắc Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng (Sở Nông nghiệp và PTNT, Sở Công Thương), UBND các huyện tập trung chỉ đạo rà soát tổng hợp thông tin vùng trồng vải, các cơ sở đóng gói để tổng hợp đề nghị Cục Bảo vệ thực vật cấp mã số theo quy định của phía Trung Quốc.
Đến thời điểm thu hoạch vụ vải 2019, Cục Bảo vệ thực vật cấp cho tỉnh 149 mã vùng trồng và 86 mã cơ sở đóng gói, đáp ứng nhu cầu xuất khẩu vải thiều sang thị trường Trung Quốc. Ngoài ra, UBND tỉnh đã triển khai làm tốt công tác xúc tiến thương mại quy mô lớn ở trong và ngoài nước. Chỉ đạo, hướng dẫn các hộ sản xuất vải mở rộng diện tích áp dụng sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, áp dụng các biện pháp chăm sóc, thu hoạch đúng kỹ thuật, phương pháp để nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả vải thiều đáp ứng nhu cầu tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Xin ông cho biết, kế hoạch, định hướng phát triển cây ăn quả của Bắc Giang thời gian tới?
Những năm tới, Bắc Giang định hướng phát triển sản xuất cây ăn quả theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững. Cụ thể: Giảm diện tích vải thiều kém hiệu quả từ 28.300ha xuống còn 26.000ha, tập trung trọng điểm ở các huyện Lục Ngạn, Lục Nam, Tân Yên và Yên Thế; Ổn định diện tích cây có múi (cam, bưởi), mở rộng diện tích cây ăn quả mới có tiềm năng phát triển như: ổi, vú sữa, táo, chuối... ở các địa phương có lợi thế phát triển.
Đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ mới vào sản xuất; mở rộng diện tích sản xuất an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, Global GAP trên các cây ăn quả chủ lực nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị sản phẩm. Tập trung xây dựng thương hiệu, bao bì đóng gói, nhãn mác cho các sản phẩm cây ăn quả, phát triển các thương hiệu nông sản mới có lợi thế của từng địa phương.
Đẩy mạnh các hoạt động xúc tiến thương mại, quảng bá giới thiệu sản phẩm để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm tại các tỉnh, thành trong cả nước; xuất khẩu sản phẩm sang thị trường Trung Quốc và các thị trường mới như Mỹ, Châu Âu, Nhật Bản... Khuyến khích thu hút các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất, chế biến bảo quản và tiêu thụ sản phẩm quả để nâng cao giá trị.
Trân trọng cảm ơn ông!
Năm 2019, Bắc Giang đã công nhận 46 sản phẩm OCOP, trong đó, có 15 sản phẩm đạt hạng 4 sao, 31 sản phẩm đạt hạng 3 sao. Doanh thu từ cây vải và các dịch vụ đạt trên 6.300 tỷ; cây có múi trên 1.500 tỷ, cây nhãn trên 400 tỷ... |