|
Thu hoạch tôm càng xanh trong ruộng lúa |
Mô hình Tôm càng xanh – Lúa: Hiện nay, diện tích thả nuôi là 10.646 ha, tập trung nhiều nhất ở các huyện: Phước Long, Hồng Dân, Giá Rai. Đây được xem là mô hình nuôi tôm mang tình bền vững cao đang được các ngành chuyên môn khuyến cáo nhân rộng. Các ngành chuyên môn nhận định đây là mô hình khá phù hợp với nông dân vì dễ áp dụng. Đối với một số khu vực phía Bắc trong tỉnh, năng suất tôm thu được khoảng 100 - 120kg/ha, tỷ lệ số hộ nuôi có lãi chiếm 90%, mỗi hộ trung bình lãi từ 20 – 40 triệu đồng/ha.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Ở có diện tích 1,5 ha canh tác theo mô hình này cư ngụ ấp Bình Thạnh, xã Vĩnh Phú Tây, huyện Phước Long. Sau hơn 04 năm thực hiện theo mô hình này ông cho biết, đây là mô hình tương đối dễ thực hiện, kỹ thuật chăm sóc không đòi hỏi phức tạp và thông thường bà con nông dân thả tôm vào ao vèo với mật độ 0,5 – 1 con/m2 (thả tập trung trong tháng 07 dương lịch hàng năm) và thả tôm trước 1 – 1,5 tháng so với sạ lúa.
Ông Ở cho biết thêm, do tình hình thời tiết tương đối thuận lợi, giá tôm ổn định và bản thân ông đã có kinh nghiệm trong việc chọn tôm giống nên quá trình nuôi gặp nhiều thuận lợi. Để thực hiện mô hình này, khoảng giữa tháng 07 năm nay ông bắt đầu mua tôm càng xanh tại cơ sở bán tôm giống có uy tín về thả vèo trong vuông nuôi, sau 01 tháng cho thả ra ruộng (lúa này đã sạ lúa gần 01 tháng). Mỗi năm ông thu nhập gần 100 triệu đồng (trong đó thu hoạch được 150 kg tôm bán được gần 20 triệu đồng), sau khi trừ đi chi phí ông lãi cả năm gần 60 triệu đồng. Ông Nguyễn Văn Ở và nhiều nông dân khác trên địa bàn huyện sẽ tiếp tục thực hiện mô hình này trong những năm tiếp theo.
Mô hình Tôm – rừng: Đối với mô hình này tùy điều kiện tự nhiên của từng vùng khác nhau mà bà con nông dân lựa chọn các đối tượng nuôi phù hợp để góp phần tăng hiệu quả kinh tế, các kiểu nuôi thường được bà con áp dụng là: Tôm – Cua – Cá - Rừng, Tôm – Cua – Rừng…. Mô hình này đa số nằm ngoài đê bao biển, là khu vực rừng phòng hộ. Diện tích đất rừng phòng hộ được cơ quan chức năng cho phép canh tác nuôi thủy sản là: 3.089,25 ha, tập trung 02 huyện Hòa Bình, Đông Hải. Thông thường các hộ canh tác theo mô hình này thả tôm với mật độ từ 1 – 2 con/m2 mặt nước, cua: 500 – 700 con/ha.
Áp dụng quy trình nuôi quảng canh cải tiến - kết hợp, lấy nước ra, vào theo thủy triều. Thời gian bắt đầu thu tỉa sau khi thả là khoảng 2,5 tháng, bổ sung giống tôm định kỳ từ 30 – 45 ngày/lần. Trong năm nay, hiệu quả từ mô hình này rất khả quan: năng suất chung các loài thủy sản thu hoạch là 400-500 kg/ha/năm; số hộ có lãi mô hình này 95% trung bình mỗi hộ lãi từ 30 – 40 triệu đồng.
Điển hình như hộ ông Nguyễn Văn Son có diện tích 3,4 ha canh tác theo mô hình này cư ngụ ấp 12, xã Vĩnh Hậu A, huyện Hòa Bình cho biết, mỗi vụ nuôi ông thả hơn 30.000 con tôm giống, khoảng 1,5 tháng nuôi ông thả tiếp gần 400 con cua giống. Sau đó, khoảng 2 -2,5 tháng ông thu tỉa thả bù với lượng tôm giống thả bằng ½ ban đầu. Mỗi năm ông thu nhập từ mô hình này là hơn 80 triệu đồng (tôm, cua, cá các loại). Sau khi trừ các khoản chi phí còn lãi hơn 45 triệu đồng.
Ngoài ra, các mô hình nuôi tôm quảng canh cải tiến chuyên tôm, tôm – lúa…cũng đem lại hiệu quả bền vững đã giúp cho nông dân có thu nhập ổn định. Đặc điểm các mô hình này là phù hợp với khả năng đầu tư của nông dân, điều kiện thổ dưỡng, khí hậu thuận lợi…Trong quá trình sản xuất, nông dân nhận được sự hỗ trợ, tạo điều kiện giúp cho quá trình sản xuất thuận lợi, từ đó gặt hái được nhiều thành công.