“Bắt” bưởi ra hoa, đậu quả theo ý muốn
Lão nông Phan Văn Hào (SN 1953, ở thôn 2, xã Thượng Mỗ, huyện Đan Phượng, Hà Nội) là người có kinh nghiệm trồng bưởi tôm vàng lâu nhất nhì ở Thượng Mỗ. Hiện gia đình ông Hào có 4 sào bưởi tôm vàng đã 24 năm tuổi. Vụ bưởi năm 2018 này, mặc dù thời tiết không thuận lợi nhưng vườn bưởi của ông vẫn sai trĩu quả.
Ông Hào bật mí: “Trước đây, bà con thường để bưởi thụ phấn hoàn toàn tự nhiên. Khi gặp thời tiết bất lợi, cây không thụ phấn được, tỷ lệ đậu quả thấp. Hiện nay, chúng tôi đã biết cách “can thiệp” để bưởi ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Cụ thể, khi bưởi ra hoa, chúng tôi dùng các chổi lông nhỏ, mềm, chấm vào các bông hoa, giúp bưởi thụ phấn tốt hơn, tỷ lệ đậu quả cao hơn”.
Những năm qua, các cấp Hội ND TP.Hà Nội đẩy mạnh quảng bá, giới thiệu sản phẩm bưởi tôm vàng Đan Phượng” thông qua các hội chợ. Ảnh: Thu Hà
Bên cạnh đó, để nâng cao chất lượng múi bưởi, ông Hào chăm sóc cây rất cẩn thận. Ông thường nghiền nhỏ đậu tương rồi ngâm ủ hoặc dùng phân gà ủ hoai mục để bón cho vườn bưởi. Gia đình ông Hào cũng không sử dụng thuốc diệt cỏ mà thường làm cỏ bằng tay.
Ông Hào phấn khởi: “Dù bây giờ có nhiều giống bưởi, nhiều hộ trồng bưởi nhưng bưởi tôm vàng nhà tôi trồng vẫn đắt như tôm tươi. Năm nào cũng vậy, cả vườn bưởi tôm vàng hàng vạn quả nhưng đều được thương lái đặt mua hết sạch trước tết cả tháng với giá 50.000 đồng/quả”.
Anh Đỗ Văn Mạnh - Chủ tịch Hội Nông dân (ND), kiêm Chủ tịch Câu lạc bộ bưởi tôm vàng xã Thượng Mỗ cho biết, năm 1997, khi xã thực hiện chủ trương dồn điền đổi thửa, nhiều hộ dân trong thôn đã mạnh dạn chuyển đổi diện tích đất trũng, cấy lúa, trồng màu năng suất thấp sang trồng cây ăn quả. Tuy nhiên, do bưởi diễn tôm vàng cho thu nhập cao nên nhiều hộ dân chuyển hướng sang trồng bưởi.
Đặc biệt, từ năm 2013, được Cục Sở hữu trí tuệ cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể với tên gọi “bưởi tôm vàng Đan Phượng”, giống bưởi này đã trở thành cây trồng chủ lực, mở hướng làm giàu cho người dân Thượng Mỗ.
Liên kết người trồng bưởi
Anh Đỗ Văn Mạnh chia sẻ, năm 2016, Hội ND xã Thượng Mỗ đã thành lập câu lạc bộ trồng bưởi tôm vàng để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Ban đầu, câu lạc bộ chỉ có 35 hộ tham gia, đến nay đã thu hút được 40 hội viên. Mỗi hội viên trung bình có 5 sào trồng bưởi.
Các hộ dân trồng bưởi xã Thượng Mỗ đều hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thay vào đó sử dụng phân bón hữu cơ như đậu tương, phân gà, phân cá được ủ hoai mục. Ảnh: Thu Hà
Trong những năm gần đây, người trồng bưởi xã Thượng Mỗ được Hội ND các cấp, các sở, ban, ngành chuyển giao kỹ thuật trồng bưởi, đồng thời hỗ trợ xây dựng và bảo vệ thành công nhãn hiệu “bưởi tôm vàng Đan Phượng”. Đáng chú ý, năm 2016, Hội ND xã phối hợp với Trung tâm Phân tích và Chứng nhận chất lượng sản phẩm nông nghiệp Hà Nội hướng dẫn nông dân trồng bưởi tôm vàng theo tiêu chuẩn VietGAP.
“Các hộ dân trồng bưởi xã Thượng Mỗ đều hạn chế sử dụng phân bón hóa học, thay vào đó sử dụng phân bón hữu cơ như đậu tương, phân gà, phân cá được ủ hoai mục. Đối với việc sử dụng các loại thuốc bảo vệ thực vật, dùng loại nào, số lượng, liều lượng, ngày tháng sử dụng… đều được ghi chép trong nhật ký trồng bưởi. Cuối năm 2016, hàng trăm hộ dân trồng bưởi ở các thôn 2, 3, 6 và 7 trên địa bàn xã Thượng Mỗ đã được cấp chứng nhận VietGAP” – anh Mạnh thông tin.
Theo anh Mạnh, hiện nay, phần lớn vườn bưởi của các hộ dân Thượng Mỗ có diện tích nhỏ, lẻ; hộ nhiều có khoảng 8 sào, hộ ít có 1-2 sào, nằm phân tán nên rất khó mở rộng sản xuất và phát triển ổn định. Do đó, thời gian tới, Hội ND xã Thượng Mỗ sẽ tăng cường các biện pháp kỹ thuật để nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm bưởi tôm vàng; đưa sản phẩm vào siêu thị, khách sạn, hướng tới xuất khẩu.
Theo kinh nghiệm của hộ dân trồng bưởi lâu năm, quả bưởi tôm vàng ngon có cuống nhỏ, nặng từ 0,7-1kg, vàng sậm, không bộp, có hương thơm ngát.
Theo Thu Hà/danviet.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn