Được biết, vài năm gần đây, nhiều người ở huyện Phú Tân trồng cây dừa cạn để làm thuốc nam cung cấp cho nhà thuốc Đông y. Vốn là loại cây dại, dễ tính, dễ trồng, có thể mọc ở nhiều nơi nhưng tùy thuộc vào thổ nhưỡng, khí hậu của từng vùng mà dừa cạn có tính dược liệu khác nhau.
Toàn cảnh cánh đồng hoa dừa cạn. Ảnh: IT
Tại huyện Phú Tân, dừa cạn được trồng ở các xã: Phú Hưng, Phú Thạnh, Bình Thạnh Đông, Tân Hòa,... Với diện tích khá lớn, cây dừa cạn từ mục đích ban đầu chỉ để làm thuốc đã vô tình tạo nên một cảnh quan rất đẹp, nơi lý tưởng cho các bạn trẻ đến check in.
Hoa được trồng trên diện tích rộng nên tạo cảnh quan đẹp, thu hút nhiều bạn trẻ đến tham quan. Ảnh: IT
Theo kinh nghiệm dân gian, dừa cạn làm thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường, sốt rét, bệnh máu trắng, thông tiểu, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, u bướu, giúp an thần dễ ngủ, tiêu hóa kém… Hiện nay, một số Phòng CTĐY dùng dừa cạn bào chế kết hợp các dược liệu khác để hỗ trợ chữa bệnh ung thư, tiểu đường. Dừa cạn dễ phát triển, chịu hạn tốt, ra hoa quanh năm và có thể tự sinh sôi, nhẹ công chăm sóc.
Màu tím níu chân du khách. Ảnh: IT
Bà Bùi Thị Tuyết (xã Tân Hòa, chủ đất đang trồng 2 công hoa dừa cạn) cho biết, 3 năm nay, nghe các thầy thuốc nói thiếu nguồn dược liệu chữa bệnh, nhất là hoa dừa cạn, gia đình bà đã tận dụng đất làm rẫy trồng dừa cạn luân phiên giữa các vụ bắp. Ngoài cung cấp cho Phòng CTĐY của xã, dừa cạn còn được san sẻ cho các Phòng CTĐY trong tỉnh.
Vẻ đẹp mong manh của dừa cạn. Ảnh: IT.
Đến xã Phú Hưng, hỏi thăm về cánh đồng dừa cạn, người dân ai cũng tự hào khoe: “Ngắm đồng hoa đẹp không thua gì ở Đà Lạt. Đất ở đây là đất trồng nếp, hiệu quả kinh tế cao, nhưng mấy năm nay bà con vẫn hiến cho nhà thuốc trồng dừa cạn để bào chế thuốc”. Hơn 2 héc-ta đất của ông Trần Thanh Tùng trồng dừa cạn đủ màu trắng, hồng, đỏ, hồng sen được nhiều người đến tham quan. Người này truyền người kia, các xã lân cận trồng theo hình thức xen canh, chuyên canh, dần dần mở rộng diện tích.
Cánh đồng thu hút nhiều bạn trẻ.
Theo Hội Đông y huyện Phú Tân, hưởng ứng phong trào “thuốc tại vườn, thầy tại nhà” do hội phát động, người dân trong huyện đã hiến đất, thuê đất trồng dược liệu cung cấp cho các nhà thuốc, nguồn dược liệu tại chỗ đáp ứng khoảng 70% nhu cầu chữa bệnh cho bệnh nhân. Điều đáng quý là ở những vùng khác, người ta trồng dược liệu để kinh doanh, để mưu sinh thì ở huyện Phú Tân, bà con trồng dược liệu chỉ với mục đích hành thiện, giúp người bệnh. Với nhiều công dụng chữa bệnh, dừa cạn không chỉ trồng theo phong trào quy mô lớn mà được nhiều người trồng tại nhà, vừa làm đẹp, vừa tận dụng toàn thân cây phơi khô nấu nước, hãm thành trà để uống.
Một địa điểm du lịch mới hình thành ở An Giang từ cây dừa cạn.
Để đến được đây, bạn có thể chạy theo quốc lộ 91 giữa Long Xuyên và Châu Đốc rồi hỏi đường qua phà Năng Gù. Phà cập bến, bạn chạy thêm khoảng 500 m, nhìn phía bên phải sẽ thấy vườn hoa dừa thứ nhất. Chạy thêm khoảng 2 km nhìn bên phải sẽ tiếp tục bắt gặp vườn hoa tiếp theo.
Cánh đồng hoa không thu phí tham quan, chụp ảnh. Bạn có thể kết hợp chuyến khám phá An Giang và thưởng thức các món ăn đặc sản của địa phương. Người dân miền Tây đôn hậu, chất phác nhưng hãy nhớ giữ gìn những luống hoa để hoa không bị dập nát.
Người dân kiểm tra cánh đồng hoa.
Theo kinh nghiệm dân gian, dừa cạn làm thuốc trị cao huyết áp, tiểu đường, sốt rét, bệnh máu trắng, thông tiểu, phòng và hỗ trợ điều trị bệnh ung thư, u bướu, giúp an thần dễ ngủ, tiêu hóa kém…
Tuy nhiên, thấy cây dừa cạn ngày càng phát triển, nhiều người tò mò về công dụng đã tự trồng và tự chế thuốc uống theo lời đồn. Các lương y đặc biệt lưu ý, người dân không nên lạm dụng, tuy là vị thuốc nhưng dùng quá liều chúng sẽ ức chế hệ thần kinh, gây hại cho phụ nữ có thai, bệnh nhân huyết áp thấp… Bà con chỉ nên trồng làm cảnh, nếu có nhu cầu chữa bệnh cần phải hỏi qua những người có chuyên môn để sử dụng an toàn và hỗ trợ việc chữa trị.
Theo Khánh Nguyên/Báo Dân Viêt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn