Hết vốn vì nuôi tôm sai quy hoạch
Bỏ trống ao tôm hơn 4.000m2 từ 2 vụ vừa qua, anh H.T.H ở ấp Rạch Gừa, xã Phú Long, huyện Bình Đại chuyển lên TP. Bến Tre đi tiếp thị hàng tiêu dùng để phụ với vợ lo cho con nhỏ và có chút ít tiền gửi về quê nuôi cha mẹ già. Số tiền nợ gần 300 triệu đồng ở ngân hàng, từ mấy tháng qua, anh H vẫn chưa đóng đồng nào. Thế nhưng, trò chuyện với chúng tôi, anh H vẫn cảm thấy vui, bởi việc bỏ ao tôm 2 vụ vừa qua với anh là việc làm đúng đắn.
“Tôi chắc chắn sẽ còn lún sâu hơn nữa trong nợ nần nếu nuôi 2 vụ vừa qua, bởi giá tôm quá rẻ mà việc nuôi ngày càng khó khăn. Công việc tiếp thị giúp tôi đi được nhiều nơi, thấy những ao tôm được đầu tư lớn, được Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi vẫn phải chịu thua lỗ liên tục. Điều kiện như vậy mà nuôi tôm còn không thành công, cái ao nhỏ xíu và đầy bất lợi như tôi thì còn hy vọng gì nữa” - anh H phân bua. Rồi anh H nói tiếp: “Chúng tôi cũng đã làm sai với khuyến cáo của huyện. Mọi chuyện đã lỡ rồi, điều đó cũng do việc bức xúc làm ăn mà ra. Giờ tôi chỉ mong được hỗ trợ chuyển đổi mô hình làm ăn trên ao tôm để kiếm tiền trả nợ, còn việc lấp ao thì không thể làm nổi”.
Trong khi đó, anh N.V.T ở ấp Ao Vuông, cùng xã với anh H, 2 vụ liên tục lỗ trắng khiến anh không còn một chút hy vọng nào vào con tôm biển. Do chưa biết làm sao với số nợ hơn 200 triệu đồng nên anh T vẫn có ý định cải tạo ao tôm lại để thả thêm vụ nữa.
Theo lập luận của anh T, khi nuôi tôm, số tiền ra vào có thể lên hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng trong thời gian ngắn. Nay thì nợ nần chồng chất mà “lượm bạc cắc” như trước thì khó trả nổi. Anh T vẫn cố gắng nuôi thêm vụ nữa, may ra trúng vụ sẽ trả bớt nợ rồi nghỉ luôn cũng được.
Trường hợp anh H, anh T là điển hình của hàng trăm hộ đã từng hoặc đang nuôi tôm trong vùng quy hoạch ngọt hóa ở một số xã của huyện Bình Đại như Phú Long, Thạnh Trị, Thới Lai, Vang Quới Đông... Tuy nhiên, bên cạnh đó, phần lớn bà con cũng trong trường hợp này đang mạnh mẽ chuyển đổi mô hình làm ăn như trồng cỏ nuôi bò, nuôi tôm càng xanh trong ao tôm biển trước đây, nuôi cá rô phi, cá lóc, nhiều hộ đã ổn định kinh tế gia đình.
Vận động áp dụng mô hình thay thế
Ông Nguyễn Thành Trí - Chủ tịch UBND xã Phú Long cho biết: Toàn xã có 600ha đất được ngọt hóa hoàn toàn, trong đó khoảng 100ha được bà con sử dụng nuôi tôm biển sai quy hoạch. UBND xã vận động, đến nay chỉ còn 30ha chưa chịu chuyển đổi mô hình.
“Qua việc tìm hiểu nắm tình hình, chúng tôi xác định, phần lớn bà con chưa chịu chuyển đổi do không có vốn và chịu sức ép lớn từ nợ nần. Vì thế, thời gian tới, chúng tôi sẽ mời đại diện ngân hàng đến, vận động họ khoanh nợ và áp dụng những ưu đãi để chia sẻ với những khó khăn của bà con; chỉ áp dụng đối với những hộ muốn chuyển đổi mà không có vốn. Ngoài ra, các hộ này sẽ được xã cho ưu tiên hưởng những phúc lợi hợp lý từ chính sách an sinh xã hội của Nhà nước để kịp thời giảm bớt khó khăn trong cuộc sống” - ông Trí nói.
Đồng quan điểm với ông Trí, ông Lê Văn La - Trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Bình Đại cho hay: Ngành Nông nghiệp của huyện sẽ tăng cường phối hợp với chính quyền xã mở các lớp tập huấn kỹ thuật về chuyển đổi sang mô hình mới; thông qua đó, vận động để trên địa bàn huyện không còn hộ dân nào tiếp tục nuôi tôm sai quy hoạch, dần dần giúp họ khắc phục khó khăn. Huyện cũng xác định mô hình nuôi tôm càng xanh trong ao tôm biển, nuôi xen tôm càng xanh với cá rô phi hoặc chuyên canh cá nước ngọt là những cách nuôi hợp lý nhất.
“Chúng tôi khẳng định, tôm càng xanh toàn đực là đối tượng nuôi hiệu quả nhất đối với những ao tôm trong vùng ngọt hóa hiện nay. Tôm càng xanh dễ thích ứng, có thể sống tốt ở độ mặn khoảng 0 - 15%o (nghĩa là có thể áp dụng cả vùng chưa ngọt hóa hoàn toàn) lại là sinh vật có sức đề kháng rất tốt và không mẫn cảm với những mầm bệnh của tôm biển để lại trong ao tôm. Hơn nữa, đây là loại tôm luôn có giá trị thương phẩm cao và đầu ra ổn định. Hiện nay, giống của loại này đã có thể cân đối với số lượng lớn tại địa phương” - ông Châu Hữu Trị - Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh (đơn vị được sự ủy quyền của Sở NN&PTNT xây dựng mô hình thay thế cho bà con) khẳng định.
Để cụ thể hóa từ nhận định của mình, ông Trị cho biết: Trong 5 mô hình thí điểm được Sở NN&PTNT phê duyệt thực hiện trong năm 2015, trung tâm đã ưu tiên sử dụng 4 mô hình nuôi tôm càng xanh (có cả thâm canh và bán thâm canh) ở 4 huyện có sai phạm nuôi tôm trong vùng quy hoạch; sử dụng cả 4 mô hình từ nguồn vốn của Dự án phòng chống biến đổi khí hậu (AMD) tài trợ để thí điểm cho tôm càng xanh. Chúng tôi khẩn trương và dồn sức làm như vậy nhằm chứng minh cho bà con thấy rõ ưu điểm và giá trị của tôm càng xanh, qua đó sớm áp dụng để giải quyết khó khăn trong cuộc sống hiện nay.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn