Những không gian xanh từng nuôi dưỡng tâm hồn biết bao thế hệ như giếng làng, ao chùa, hồ đầm, lũy tre, rặng dừa, rặng cau, hàng rào bằng cây… biến mất một cách nhanh chóng, đầy nuối tiếc.
Cảnh sắc nông thôn vùng ngoại thành Hà Nội |
Tuy nhiên có một số địa phương đã “bừng tỉnh” trước hiện tượng đó và có những hành động cụ thể để giữ lấy những mảnh hồn quê còn lại. Huyện Đan Phượng là một trong những nơi như vậy. Đây là địa phương tiên phong của Hà Nội trong việc đạt chuẩn huyện nông thôn mới (NMT). Không bằng lòng với thành tích đó, huyện tiếp tục giữ vững các tiêu chí đã đạt, hướng tới việc xây dựng mô hình nông thôn mới kiểu mẫu.
Sản xuất được chú trọng, thu nhập của người dân được tăng lên nhờ vào phát triển, mở rộng các vùng chuyên canh, Đan Phượng đã tích cực chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi từ độc canh lúa sang trồng hoa, cây ăn quả đặc sản, rau sạch, chăn nuôi tập trung xa làng xóm, khu dân cư.
Nhiều mô hình sản xuất nông nghiệp công nghệ cao được ra đời có thể kể đến như trồng lan hồ điệp tại xã Đan Phượng, Phương Đình, trồng rau hữu cơ tại xã Thọ Xuân, trồng dưa lưới tại xã Đan Phượng...
Ở các xã này, huyện đã có chính sách hỗ trợ đầu tư xây dựng hạ tầng, vật tư sản xuất để quy tụ thành những vùng sản xuất hàng hóa lớn, chất lượng cao, tiện cho việc xây dựng chỉ dẫn địa lý hay thương hiệu cho nông sản. Bước đầu đã hình thành chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu dùng với những sản phẩm chủ lực.
Riêng về xây dựng NTM, huyện có định hướng củng cố về mặt cơ sở hạ tầng, giao thông thủy lợi, duy trì các nét đẹp văn hóa truyền thống, hương ước, quy ước đồng thời chống lại việc tổ chức đám cưới, đám tang rình rang, tốn kém. Tiến thêm một bước, địa phương đã chọn ra các xã Đan Phượng, Song Phượng và Liên Trung làm đầu tàu để xây dựng xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu.
Ở các xã này đều thành lập Ban chỉ đạo NTM kiểu mẫu, phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên, lập kế hoạch tỉ mỉ để thực hiện, đặt mục tiêu đến năm 2018 sẽ về đích. Đặc thù của xã NTM kiểu mẫu là không có tiêu chí chung của cả nước mà tùy theo điều kiện của từng địa phương để triển khai xây dựng.
Bởi thế bên cạnh 19 “tiêu chí cứng” của xây dựng NTM thì Đan Phượng còn đặt ra thêm các “tiêu chí mềm” để nâng cao chất lượng sống cho nhân dân mà trong đó quan trọng nhất, là cải thiện mối quan hệ giữa con người và môi trường sống để cùng phát triển bền vững, trong lành. Nhiều phong trào được khởi xướng từ thực tế sinh động của đời sống rồi tổng kết, đúc rút lên như "Bảo vệ môi trường xanh sạch đẹp", “Con đường bích họa”, “Đường có hoa, nhà có số, phố có tên”…
Có thể kể ra một trường hợp “lột xác” tiêu biểu là con đường của thôn Đông Khê, xã Đan Phượng. Cũng như nhiều vùng ngoại thành khác, trước đây các bức tường ở đây đều cũ kỹ, nham nhở, chi chít các mẫu quảng cáo. Thế mà chỉ trong một thời gian ngắn, chúng được tô vẽ để trở thành con đường bích họa hết sức sống động, gây bất ngờ cho những khách đến tham quan.
Tuy dài chỉ hơn 200m với địa giới bờ tường của 15 hộ chạy qua, chúng đã thành các bức tranh thơ mộng về làng quê, về tuyên truyền bảo vệ môi trường sống, các giá trị văn hóa truyền thống.
Đó là nhờ công sức của 20 thanh niên địa phương tình nguyện vẽ liên tục trong gần 1 tháng mà không hề lấy công. Kinh phí mua vật liệu để vẽ cũng chỉ hết 20 triệu do Ban chỉ đạo xây dựng NTM xã Đan Phượng hỗ trợ. Ngoài con đường bích họa với những hoa “nở” trên xi măng, trên gạch vữa còn rất nhiều con đường với vô vàn loài hoa thật nở hai bên ở các xã Đan Phượng, Đồng Tháp, Liên Hồng... tạo nên một diện mạo mới cho huyện ngoại thành này.
Cả 15 xã trong huyện Đan Phượng đều tập trung vào việc nâng chất NTM nên đã cơ bản hoàn thành việc đặt tên đường, gắn biển số nhà, trồng thêm cây xanh, cải tạo môi trường, xây dựng được 74 tuyến đường với 12,3km “đường có hoa”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn