Nghề nuôi chình và cá bống tượng ở đầm Trà Ổ xuất hiện từ năm 1997. Anh Võ Tuấn Tú (ở thôn Châu Trúc, xã Mỹ Châu) là người đầu tiên áp dụng nghề nuôi này. Đến nay, gia đình anh có một hồ nuôi rộng 2.000m2 thả trên 5.000 cá giống. Nhờ đánh bắt được cá tự nhiên nên gia đình anh tiết kiệm rất nhiều chi phí. Bên cạnh việc nuôi cá bống tượng, anh còn kết hợp nuôi chình, hàng năm lãi trên 150 triệu đồng. Anh đã đào thêm 4 hồ nuôi, mỗi hồ rộng trên 1.500m2 để mở rộng nuôi chình và cá bống tượng trong thời gian đến. Được biết, ở Mỹ Châu, ngoài gia đình anh Võ Tuấn Tú, còn có 3 hộ cũng nuôi cá bống tượng và bước đầu cho hiệu quả khá.
Còn ở xã Mỹ Thắng, hiện tại có 16 hộ nuôi cá bống tượng. Năm 2006, anh Huỳnh Văn Trung (ở thôn 7 Bắc, xã Mỹ Thắng) vào TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Tây Nam bộ học cách nuôi cá bống tượng về áp dụng ở địa phương. Lúc đầu anh đào ao trong khu vườn nhà mình để nuôi, sau một vài vụ thất bại, nhờ rút được kinh nghiệm nên kết quả khá hơn. Hiện nay, ngoài 3 ao trong vườn nhà (mỗi ao rộng 300m2), anh còn thả 3 lồng cá trên đầm Trà Ổ (mỗi lồng rộng 80m2). Theo anh Trung, mặc dù diện tích lồng chưa bằng 1/3 diện tích hồ, nhưng vì có nguồn nước tự nhiên nên lượng cá thả vào mỗi lồng vẫn tương đương (khoảng 1.600 con) và đỡ thời gian chăm sóc, thay nước.
Anh Huỳnh Văn Trung đang kiểm tra cá trong lồng.
Anh Trung cho biết: “Theo kinh nghiệm của tôi, cá giống thả vào tháng 2, tháng 3 Âm lịch là thời điểm thích hợp để cá thích nghi với môi trường sống mát mẻ. Thời gian nuôi khoảng 10 đến 12 tháng, cá đạt từ 6 đến 8 lạng/con là xuất bán được”. Hàng năm anh Trung lãi trên 130 triệu đồng từ nuôi cá bống tượng. Anh còn là đầu mối thu mua cá đưa vào TP Hồ Chí Minh tiêu thụ. Anh đã giúp vốn, hỗ trợ kỹ thuật cho 15 hộ dân địa phương phát triển nuôi cá bống tượng. Tháng 3.2012, anh Trung đã được Hội Nông dân tỉnh tặng Bằng khen vì đạt thành tích xuất sắc trong phong trào nông dân sản xuất kinh doanh giỏi, giai đoạn 2007 - 2011.
Học hỏi kỹ thuật và kinh nghiệm từ anh Trung, anh Trương Thanh Hải (ở thôn 11, xã Mỹ Thắng) nuôi cá bống tượng trên đầm Trà Ổ hơn 3 năm qua và đạt hiệu quả kinh tế cao. Theo anh Hải, cá bống tượng nuôi ở đây hiếm khi bị dịch bệnh, nhất là các bệnh về da. Anh thả nuôi 5 lồng, mỗi lồng rộng 25m2, thả 400 cá giống. Nhờ tận dụng được nguồn thức ăn tự nhiên, cá không dịch bệnh nên năm 2012 anh lãi trên 50 triệu đồng.
Ông Nguyễn Văn Triệu, Phó Chủ tịch UBND xã Mỹ Thắng, cho biết: “Từ năm 2009 đến nay, nghề nuôi cá bống tượng phát triển mạnh ở địa phương, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, bà con chưa tìm được nguồn cá giống nhân tạo mà phải tìm mua cá khai thác tự nhiên, nếu nhiều người nuôi sẽ không đáp ứng được lượng cá giống”.
Chủ tịch Hội Nông dân xã Mỹ Thắng Trần Văn Phá chia sẻ: “Từ năm 2009 đến 2011, UBND xã đã phối hợp với các đơn vị chức năng của tỉnh và huyện tổ chức một số đợt tập huấn về kỹ thuật nuôi, phòng chống dịch bệnh cho cá bống tượng nên đã giúp nông dân sản xuất có hiệu quả hơn”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn