Mới đây, tại làng K6 xã Vĩnh Kim - huyện Vĩnh Thạnh, Trung tâm KNKN đã phối hợp với Trạm Khuyến nông huyện Vĩnh Thạnh thực hiện MH thâm canh lúa nước vùng cao với diện tích 2 ha, bằng giống lúa thuần BC15. Trước đó, ở vụ Đông Xuân (ĐX) 2013-2014, Trung tâm cũng đã triển khai 2 MH tương tự tại xã An Vinh - huyện An Lão với giống lúa thuần OM 6976 trên diện tích 4 ha, và xã Canh Liên - huyện Vân Canh, với giống lúa thuần OM 6162, diện tích 2 ha. Các MH thực hiện ở vụ ĐX vừa qua đều cho kết quả khả quan.
Điểm mới ở các MH thâm canh lúa nước vùng cao trong năm 2014 là việc đưa vào sử dụng các giống lúa thuần thay vì sử dụng các giống lúa lai. Đây là chủ trương của ngành Nông nghiệp tỉnh vì các giống lúa thuần được đưa vào MH đều là các giống lúa cải tiến, có khả năng kháng sâu bệnh tốt, dễ chăm sóc, mức độ đầu tư thâm canh vừa phải, năng suất lúa khá cao và phẩm chất gạo khá; giá lúa giống thấp hơn nhiều so với giống lúa lai, phù hợp với khả năng đầu tư của bà con dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao; các giống lúa thuần được sản xuất trong nước, nên bà con có thể chủ động trong sản xuất. Tại các MH này, nông dân trực tiếp tham gia được hỗ trợ 100% giống và vật tư kỹ thuật; được tập huấn kỹ thuật thâm canh lúa nước.
Tại huyện An Lão, MH được thực hiện ở thôn 3, xã An Vinh, diện tích 4 ha, bằng giống lúa thuần OM 6976, có 31 hộ đồng bào H’re trực tiếp tham gia. Mặc dù gặp nhiều khó khăn, như điều kiện thời tiết miền núi khắc nghiệt, đồng ruộng bậc thang nghèo dinh dưỡng, trình độ sản xuất, nhất là sản xuất lúa nước và khả năng tiếp thu kỹ thuật của bà con còn hạn chế, song qua gần 4 tháng thực hiện MH đã cho kết quả khả quan, cây lúa sinh trưởng và phát triển tốt, chống chịu sâu bệnh khá; năng suất bình quân 55,1 tạ/ha, cao hơn gấp 1,5 lần lúa ngoài MH và vượt kế hoạch đề ra.
Cũng ở vụ ĐX 2013-2014, tại làng Kon Lot xã Canh Liên (Vân Canh), MH được thực hiện với diện tích 2 ha, có 11 hộ trực tiếp tham gia, bằng giống lúa thuần OM 6162. Cũng với những khó khăn như nói trên, có lúc nhiệt độ về đêm xuống còn từ 10-15oC gây ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sinh trưởng và phát triển của cây lúa, song nhờ tuân thủ quy trình kỹ thuật được hướng dẫn, chăm sóc, bón phân kịp thời nên cây lúa sinh trưởng và phát triển khá tốt, thời gian sinh trưởng hơn 130 ngày, năng suất 47,1 tạ/ha, cao hơn ruộng ngoài MH 17,1 tạ/ha.
Kết quả của MH có tính thuyết phục cao, giúp đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng cao nắm bắt kỹ thuật trồng lúa nước, biết áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất, giảm chi phí đầu tư, tăng hiệu quả kinh tế, góp phần giúp người dân ổn định cuộc sống. Từ kết quả đạt được, trong thời gian tới Sở NN-PTNT và Trung tâm KNKN sẽ tiếp tục nhân rộng MH, đồng thời đẩy mạnh hỗ trợ chuyển giao các tiến bộ KHKT mới trong sản xuất nông nghiệp cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã vùng cao, vùng đặc biệt khó khăn, giúp bà con chủ động phát triển sản xuất có hiệu quả, thực hiện giảm nghèo bền vững.
Theo Báo Bình Định
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn