Mô hình chăn nuôi kỹ thuật cao của ông Nguyễn Quang Minh ở xã An Lập, huyện Dầu Tiếng.
Những bước phát triển vững chắc
5 năm qua, thực hiện chủ trương phát triển kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, có giá trị kinh tế cao, đem lại thu nhập cao cho nông dân góp phần thúc đẩy nền kinh tế của tỉnh phát triển theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ IX, nhiệm kỳ 2010-2015 đề ra đã góp phần đưa giá trị sản xuất nông nghiệp trong toàn tỉnh đạt trên 3.035 tỷ đồng/năm; giá trị sản xuất nông - lâm - ngư nghiệp tăng trưởng ổn định, bình quân 4%/năm.
Năm 2015, tỷ trọng ngành nông nghiệp trong cơ cấu kinh tế chung của tỉnh tuy có giảm nhưng giá trị sản xuất tăng 13% so với năm 2010. Giá trị sản xuất bình quân trên 1 ha đất canh tác áp dụng nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn tỉnh đạt 90 triệu đồng; tổng diện tích được ứng dụng khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất đạt trên 860 ha. Bên cạnh đó, việc chuyển giao ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật cũng được tỉnh nhà quan tâm, nhiều tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới được áp dụng vào sản xuất đã giúp nâng cao năng suất, chất lượng cây trồng. Đến nay, các giống cây trồng có năng suất, chất lượng cao đã được các địa phương áp dụng hầu hết trên các loại cây trồng chính của tỉnh.
Đặc biệt, chương trình chuyển dịch cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng phát triển nông nghiệp đô thị, nông nghiệp kỹ thuật cao gắn với công nghiệp chế biến đã được tỉnh nhà triển khai có hiệu quả. Cùng với đó, 5 năm qua, việc đầu tư ngân sách cho hoạt động chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật được ngành nông nghiệp của tỉnh chú trọng với tổng nguồn vốn trên 4.800 tỷ đồng, tạo thuận lợi cho phát triển sản xuất. Các khu nông nghiệp công nghệ cao với tổng diện tích hơn 979 ha trên địa bàn tỉnh cũng đang được các chủ đầu tư nỗ lực đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án đầu tư đã được UBND tỉnh phê duyệt. Trong đó, một số mô hình, dự án đã đem lại năng suất bình quân và hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với bình quân chung của ngành nông nghiệp tỉnh nhà.
Điển hình, trại gà công nghệ cao Ba Huân (TX.Tân Uyên) được đầu tư 100% theo dự án UBND tỉnh duyệt, gồm 1 nhà máy sản xuất thức ăn, 1 nhà máy ấp nở trứng, 22 trại chăn nuôi. Số lượng trứng sản xuất bình quân tại trại gà này đạt 450.000 quả/ngày và 2,5 triệu con gà con/năm. Trong khi đó, Khu nông nghiệp công nghệ cao An Thái (huyện Phú Giáo) được đầu tư 50% theo dự án được duyệt, gồm khu dịch vụ, khu nghiên cứu và phát triển tổng hợp, khu trồng trọt… Trong đó, mô hình trồng dưa lưới tại khu này cho doanh thu 3 tỷ đồng/ha/ năm; mô hình trồng chuối già hương, cà tím cho doanh thu 400 triệu đồng/ha/năm...
Hướng tới nền nông nghiệp hiện đại
Giai đoạn 2016-2020, ngành nông nghiệp tỉnh Bình Dương thực hiện mục tiêu tổng quát theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ X: “Phát triển nông nghiệp đô thị hiện đại, giá trị gia tăng cao, ứng dụng tiến bộ khoa học - công nghệ và chuyển đổi mô hình sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, phát triển công nghiệp chế biến và xây dựng nông thôn mới”. Theo đó, tỉnh nhà phấn đấu tăng giá trị gia tăng ngành nông - lâm nghiệp và thủy sản bình quân 2,2%/năm. Chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp để đạt mục tiêu giá trị sản xuất khoảng 80 - 100 triệu đồng/ha/năm vào năm 2020; riêng nông nghiệp công nghệ cao bình quân đạt từ 150 - 200 triệu đồng/ha/năm.
Hiện nay, ngành nông nghiệp của Bình Dương đã đặt ra mục tiêu đẩy mạnh tái cơ cấu ngành, cơ cấu cây trồng, vật nuôi và ứng dụng công nghệ cao để tăng năng suất, hiệu quả sản xuất nông nghiệp. Theo đó, trong lĩnh vực trồng trọt, địa phương sẽ chú trọng việc phát triển vườn cây ăn quả đặc sản ven sông Đồng Nai, sông Sài Gòn gắn với du lịch sinh thái. Đối với vùng cây ăn trái tập trung ở các huyện phía bắc của tỉnh sẽ gắn với công nghiệp chế biến. Trong lĩnh vực nuôi, tỉnh sẽ đẩy mạnh phát triển chăn nuôi theo hướng công nghệ cao, an toàn dịch bệnh và bảo vệ môi trường. Bình Dương cũng sẽ hình thành cơ sở chế biến nông nghiệp công nghệ cao đáp ứng tiêu chuẩn quốc tế, tạo thương hiệu nông nghiệp của tỉnh nhà trên cơ sở kết hợp nhuần nhuyễn và hiệu quả giữa nhà khoa học - nhà nông và nhà doanh nghiệp.
Một mùa xuân mới lại đến, bức tranh ngành nông nghiệp của Bình Dương cũng đã được phác thảo, dần hình thành rõ nền tảng cho chặng đường phát triển tiếp theo. Trong xu thế hội nhập kinh tế quốc tế, đặc biệt là trong điều kiện nước ta vừa ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngành nông nghiệp trong tỉnh cũng như cả nước sẽ đứng trước nhiều cơ hội lẫn thách thức. Để sản phẩm nông nghiệp của tỉnh vươn ra thị trường trong và ngoài nước, việc phát huy lợi thế của các giống cây, con bản địa theo xu hướng sản xuất hàng hóa, gắn kết chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học với nông dân sẽ là đòn bẩy nhằm nâng cao sức cạnh tranh, tạo đột phá cho ngành nông nghiệp tỉnh nhà trong thời gian tới.
Bình Dương ban hành chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp
UBND tỉnh vừa ban hành chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020. Theo đó, tỉnh sẽ hỗ trợ lãi suất vay ưu đãi bằng 70% lãi suất cho vay tối thiểu của Quỹ Đầu tư Phát triển tỉnh tại từng thời điểm do UBND tỉnh quyết định. Đối tượng là các doanh nghiệp, tổ hợp tác, hộ gia đình, chủ trang trại, cá nhân, các trung tâm, viện, trường... nghiên cứu khoa học - công nghệ, chuyển giao công nghệ.
Hạn mức vay ưu đãi với quy mô đầu tư phương án dưới 1 tỷ đồng được vay tối đa bằng 90% giá trị đầu tư của phương án và 80% giá trị đầu tư phương án đối với quy mô đầu tư phương án trên 1 tỷ đồng. Thời hạn vay ưu đãi không quá 60 tháng/phương án; đối với phương án có thời gian thu hồi vốn trên 60 tháng thì thời hạn kéo dài không quá 120 tháng.
Ông Nguyễn Tấn Bình, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, để thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới, ngành sẽ tiếp tục triển khai thực hiện đề án phát triển nông nghiệp đô thị vùng phía nam của tỉnh nhằm tạo mảng xanh đô thị và môi trường sinh thái; vùng phía bắc của tỉnh tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại. Ngành cũng tiếp tục triển khai đề án “Tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững”; chính sách khuyến khích phát triển nông nghiệp theo hướng nông nghiệp đô thị - nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2016-2020; đồng thời từng bước quy hoạch sản xuất nông nghiệp của tỉnh nhằm đáp ứng nhu cầu đòi hỏi của thị trường trong nước và xuất khẩu.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn