Khu NNCNC An Thái
Hướng đi đúng
Khu NNCNC An Thái (xã An Thái, huyện Phú Giáo) của Cty CP Nông nghiệp Unifarm (U&I) làm chủ đầu tư được coi là tiên phong trong chương trình chuyển đổi và phát triển ngành nông nghiệp của Bình Dương.
Trên diện tích 412 ha được chia ra nhiều phân khu. Trong đó có hơn 380ha SX, trồng các loại cây ăn trái như chuối, cam, quýt, chanh, bưởi. Còn lại là các khu chức năng như khu nghiên cứu, nhà điều hành, nhà ở…
Ngoài những sản phẩm tươi đưa ra thị trường nội địa và xuất khẩu, Cty còn đầu tư nhà máy chế biến tại khu vực này để gia tăng giá trị nông sản. Sau khi các mô hình SX thành công và hoàn thiện, Cty chuyển giao kỹ thuật cho nông dân, đồng thời liên kết phát triển vùng nguyên liệu bên ngoài.
Unifarm đang làm việc với một đối tác của Nhật Bản nhằm nghiên cứu các loại rau màu như đậu cô ve, cà tím của nước này để SX và xuất khẩu trở lại Nhật Bản. Ông Phạm Quốc Liêm, Tổng Giám đốc Unifarm cho biết: “Unifarm đã đầu tư 200 tỷ đồng, trồng kín 380 ha gồm 340 ha cây ăn quả; 10 ha cây cảnh; 10 ha rau an toàn và 20 ha các loại cây trồng khác. Trong các loại cây ăn quả, có 180 ha chuối được trồng theo tiêu chuẩn Nhật Bản, Hàn Quốc; 140 ha cây có múi SX theo quy trình VietGAP.
Không chỉ phủ xanh diện tích bằng cây trồng ứng dụng NNCNC, Unifarm tiến tới chuyển giao công nghệ ra bên ngoài. Tất cả được trồng theo công nghệ hiện đại, kiểm soát tự động bằng máy tính, kết hợp phần mềm quản lý trang trại chuyên nghiệp của Israel, điều khiển tưới, bón phân, thông gió nhà kính, giải quyết sự cố… từ xa qua Internet.
Unifarm áp dụng công nghệ cao trong toàn bộ chuỗi từ hạt giống, SX, chế biến tại chỗ. Chúng tôi đang cùng đối tác Nhật Bản đầu tư một nhà máy chế biến và bảo quản giống cây trồng theo công nghệ Nhật tại Việt Nam”.
Ngoài khu NNCNC An Thái, tỉnh Bình Dương còn có 3 khu NNCNC đang hoạt động tại xã Hiếu Liêm, huyện Bắc Tân Uyên, quy mô 78,5 ha do Cty TNHH SX thương mại Tiến Hùng làm chủ đầu tư (đạt 70%).
Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, mặc dù chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, khí hậu và thị trường tiêu thụ, nhưng nhờ chú trọng đầu tư NNCNC mà năm 2015 vừa qua, ngành nông nghiệp tiếp tục phát triển theo hướng chủ đạo là nâng cao chất lượng, tăng số lượng theo nhu cầu thị trường.
Cơ cấu nông nghiệp tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Tỷ trọng trồng trọt - chăn nuôi - dịch vụ năm 2015 là 62,5% - 34,1% - 3,4%. Giá trị SX nông, lâm, ngư nghiệp đạt 14.819 tỷ đồng, tăng 16% so với năm 2010. Giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha đất SX nông nghiệp đạt 90,2 triệu đồng.
Khu NNCNC tại xã Tân Hiệp và Phước Sang (huyện Phú Giáo), quy mô gần 472 ha do Cty CP Đường Bình Dương làm chủ đầu tư đang triển khai trên diện rộng. Tại xã Vĩnh Tân (thị xã Tân Uyên) cũng có khu NNCNC, quy mô 17,6 ha do Cty TNHH Ba Huân đầu tư đã thực hiện 100%. Những sản phẩm của các khu nông nghiệp này được tiêu thụ chủ yếu trong hệ thống siêu thị và xuất khẩu.
Tiếp tục nhân rộng
Theo Sở NN-PTNT Bình Dương, đến nay toàn tỉnh có hơn 1.600 ha cây trồng ứng dụng NNCNC, hơn 72% tổng đàn gà (khoảng 5,2 triệu con) được nuôi theo công nghệ tiên tiến, tập trung chủ yếu tại các doanh nghiệp và trang trại lớn.
Nhiều phương pháp kỹ thuật mới được áp dụng, giảm chi phí công lao động, tăng thu nhập cho nông dân, như SX rau trong nhà lưới; sử dụng hệ thống tưới tự động, nhỏ giọt và phun sương theo công nghệ tự động hóa được chuyển giao từ Israel; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý trang trại. Nhiều mô hình có doanh thu đạt 500 - 600 triệu đồng/ha/vụ.
NNCNC còn góp phần tạo thêm việc làm cho lao động nông thôn, gắn kết chặt chẽ mối quan hệ giữa công nghiệp và nông nghiệp, tạo nền tảng cho nông nghiệp hội nhập. Những mô hình hiệu quả bước đầu đã có sự lan tỏa không chỉ trong phạm vi tỉnh Bình Dương.
Với dự án của Unifarm, ngoài tạo việc làm cho 400 công nhân tại địa phương, doanh nghiệp này đã ký hợp đồng chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm chuối cho một số trang trại ở tỉnh Tây Ninh với diện tích hàng chục ha.
Qua khảo nghiệm thực tế, Unifarm xác định chuối là loại cây trồng có thể phát triển lên đến hàng nghìn ha, do thổ nhưỡng phù hợp và nhu cầu tiêu thụ trên thị trường thế giới rất lớn. Do vậy, Unifarm sẽ tập trung phát triển mạnh vùng trồng chuối theo tiêu chuẩn quốc tế, chú trọng hợp tác với các trang trại, nông hộ để chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm.
Tuy vậy, theo đánh giá của lãnh đạo tỉnh Bình Dương, vẫn còn không ít khó khăn để NNCNC phát triển. Cụ thể, một số dịch vụ, vật tư phục vụ cho NNCNC còn phụ thuộc vào nhập khẩu nên "đội" giá thành, khiến việc ứng dụng công nghệ mới, kỹ thuật cao vào SX nông nghiệp còn hạn chế. Vốn đầu tư ban đầu còn lớn, gây khó khăn cho nhà đầu tư. Trong khi đó, việc áp dụng các chính sách hỗ trợ lại chưa có quy định, tiêu chí cụ thể. Sức cạnh tranh của doanh nghiệp trong nước so với nước ngoài còn yếu, nhất là việc SX thức ăn gia súc, chăn nuôi và tiêu thụ sản phẩm…
Ông Mai Hùng Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết, năm 2016, ngành nông nghiệp tỉnh sẽ triển khai Đề án phát triển nông nghiệp đô thị ở vùng phía nam tỉnh nhằm tạo mảng xanh đô thị và môi trường sinh thái. Vùng phía Bắc sẽ tập trung quy hoạch phát triển chăn nuôi theo hướng công nghiệp hiện đại, tạo sản phẩm chất lượng, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và bảo vệ môi trường. Kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư và chuyển giao các mô hình canh tác tiên tiến cho các trang trại, nông hộ, đặc biệt là tại các khu NNCNC…
theo Báo Nông Nghiệp
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn