Nhờ thực hiện việc chuyển đổi các loại cây trồng, vật nuôi kém hiệu quả sang nuôi bò và trồng thanh long, ông Trần Văn Mười, xã Tân Bình Thạnh (Chợ Gạo, Tiền Giang) đã "Bỏ túi" hơn 300 triệu đồng/năm, góp phần mang lại cuộc sống ấm no, hạnh phúc.
|
Ông Mười chăm sóc bò |
Ông Mười phát triển kinh tế gia đình bằng việc chọn con bò làm vật nuôi chủ lực của gia đình. Lúc đầu ông chỉ nuôi 1 con bò để gây đàn, nhờ chăm sóc tốt, đúng kỹ thuật, đến nay ông Mười đã có được 7 con bò vừa bò sinh sản và bò thịt với các giống bò tốt, có giá trị kinh tế cao, được thị trường ưa chuộng. Bên cạnh đó, ông còn dành một ít đất trồng thêm cỏ voi, cỏ Mỹ...để bổ sung dinh dưỡng cho bò, giúp bò khỏe mạnh, mau lớn. Ông cho biết: "Nuôi bò chủ yếu lấy công làm lời, ít tốn kém chi phí mua thức ăn, ít xảy ra dịch bệnh. Buổi sáng và chiều thì đi làm ruộng, làm vườn, tranh thủ lúc nghỉ trưa thì đi cắt cỏ cho bò. Cứ xoay vòng như thế, bò mẹ sinh sản nuôi khoảng hơn 2 năm là có bò thịt để bán. Bình quân mỗi con bò thịt giá cũng vài chục triệu đồng/con. Nếu bán bò con, khoảng 6 tháng có thể bán cho người chăn nuôi với giá trên 10 triệu đồng/con. Ngoài việc bán bò thịt thì nguồn thu từ phân bò là rất lớn. Mỗi bao ủ oai bán với giá 10.000 đồng, hàng tháng số tiền thu lại từ việc bán phân bò là không nhỏ".
Song song với việc chăn nuôi, ông Mười còn cải tạo đất 5.000 m2 đất để trồng thanh long ruột đỏ và dùng cột xi măng làm trụ cho thanh long leo. Vì theo ông Mười, trụ xi măng sẽ hạn chế thanh long đổ ngã, sử dụng được nhiều năm. Nếu dùng cây me Tây làm trụ như trước đây thì chất lượng không cao, me Tây hút hết chất dinh dưỡng và bóng mát lại tiềm ẩn nhiều loại bệnh gây hại cho thanh long. Nhờ ham học hỏi kinh nghiệm, mày mò áp dụng các tiến bộ khoa học kĩ thuật vào chăm sóc cây thanh long nên chỉ hơn 1 năm cây bắt đầu cho trái, có những vụ trúng mùa, được giá giúp gia đình ông Mười mang về nguồn thu đáng kể. Hiện tại, ông Mười đang chuẩn bị xông đèn để thanh long cho trái theo ý muốn, tránh tình trạng được mùa, mất giá.
Thấy hiệu quả kinh tế từ cây thanh long mang lại là rất lớn, ông Mười dành thêm 3.000 m2 để tiếp tục trồng thành long. Ông Mười nói: "Thanh long bây giờ cứ để ra trái tự nhiên là "năm ăn, năm thua". Nếu xông đèn đúng kỹ thuật, ra trái nhiều, nghịch vụ, giá bán cao gấp mấy lần để ra trái tự nhiên. Thanh long hút hàng, thương lái sẽ không nhũng nhiễu như lúc để trái tự nhiên. Mỗi năm, sau khi trừ các chi phí từ trồng thanh long và chăn nuôi mang về cho gia đình ông hơn 300 triệu đồng.
Thành công với mô hình chăn nuôi bò và trồng thanh long, ông Mười còn tham gia công tác Hội và tận tình hướng dẫn, chia sẻ kinh nghiệm với bà con nhân dân cùng làm giàu chính đáng trên mảnh đất, thửa ruộng của gia đình mình.
Theo Hội Nông dân