Đi làm thuê xa quê với mức lương hơn chục triệu đồng/tháng tại một công ty xuất nhập khẩu TP.HCM không đủ để làm thỏa mãn khao khát làm giàu, trong khi đó đất đai ở nhà có sẵn lại chưa được khai thác triệt để, suy nghĩ ấy khiến anh Phạm Văn Hưng (33 tuổi, ngụ huyện Di Linh, Lâm Đồng) quyết định trở về quê nhà mở trang trại nuôi dê núi. Hiện trang trại của anh Hưng đang cho doanh thu gần 10 tỷ đồng/năm sau hơn 3 năm phát triển.
Ban đầu anh Hưng dự tính sẽ nuôi bò sữa nhưng dự án bị phá sản bởi khúc mắc với đối tác. Không nản lòng, anh tiếp tục tìm hiểu, nhận thấy chăn nuôi dê là một thị trường tiềm năng nên quyết định chuyển hướng. Nghĩ là làm, anh Hưng tìm đến các mô hình nuôi dê tiêu biểu để tham quan, học hỏi; không chỉ mô hình trong nước, anh Hưng sang Thái Lan để tìm hiểu kỹ thuật và chọn giống dê. Trại dê 3 ha đất bắt đầu được xây dựng giữa năm 2013 với số vốn ban đầu khoảng 10 tỷ đồng nhờ vay mượn từ anh em, bạn bè.
Bắt đầu với 150 con dê được nhập từ Thái Lan, ngày đêm chăm sóc và theo dõi, những tưởng mọi việc cứ thế thuận lợi, nào ngờ chỉ sau 4 tháng chăn nuôi, đàn dê lúc đó khoảng 300 con của anh Hưng cứ ốm dần và thất thoát đến 100 con. Trước áp lực về vốn, những nghi ngại từ gia đình, bạn bè, đã có lúc anh Hưng trở nên suy sụp. Anh từng nghĩ: Có lẽ nào anh không thể theo đuổi ngành nghề này được nữa?!
"Bắt tay vào làm mà chưa tìm hiểu thật chuyên sâu về kỹ thuật là một cái liều. Trước khi bắt đầu chăn nuôi dê, tôi đã từng trải qua rất nhiều nghề. Tôi từng buôn bán, làm marketing, làm công nhân nhưng đến cùng, lúc nào cũng khát khao một thứ là của riêng mình. Nghĩ vậy nên quyết tâm không buông bỏ đàn dê nữa" - ông chủ sinh năm 1984 chia sẻ. Anh coi thất bại này chính là học phí mà anh phải trả cho sự thiếu hiểu biết kỹ thuật trong chăn nuôi của mình.
Sau thất bại đó, anh Phạm Văn Hưng tiếp tục tìm hiểu chuyên sâu trong chăn nuôi dê núi, anh thuê những người có chuyên môn chăn nuôi về ở cả chục ngày trong trang trại để theo dõi xử lý, chăm sóc, hướng dẫn, chuyển giao khoa học kỹ thuật. Sau 3 năm "cùng ăn cùng ngủ" với đàn dê, đến nay trang trại của anh đã được xây dựng hoàn thiện khép kín trên quy mô rộng 5ha với số lượng dê đã nhân rộng lên quy mô 1.000 con. Bình quân mỗi tháng công ty bán cho khách hàng trong và ngoài tỉnh với giá từ 7 - 10 triệu đồng/con, mang về doanh thu gần 2 tỉ đồng/tháng, làm giàu gần 10 tỷ đồng mỗi năm - con số đáng ao ước đối với rất nhiều người làm chăn nuôi.
Theo anh Hưng, sắp tới anh sẽ mở rộng quy mô trang trại và tăng đàn lên 7.000 con dê giống. Đồng thời anh muốn mở một nhà hàng tại Đà Lạt để cung ứng các sản phẩm, dịch vụ từ chính trang trại dê Lâm Đồng.
Trao đổi về những kinh nghiệm đối với người đang muốn khởi nghiệp, anh Hưng chia sẻ: "Bà con muốn chăn nuôi trước hết hãy nắm thật chắc kỹ thuật rồi hẵng bắt đầu, hoặc tìm đến những công ty lớn chuyển giao kỹ thuật và bao tiêu đầu ra cho bà con. Kỹ thuật và đầu ra là hai thứ quan trọng nhất. Đừng chăn nuôi một cách mông lung, không kiểm soát." Đây chính là bài học kinh nghiệm "xương máu" rút ra từ chính những thất bại quá trình khởi nghiệp, làm giàu từ chăn nuôi dê núi của ông chủ đến từ Lâm Đồng - Phạm Văn Hưng.
Theo Hoàng Linh/vietq.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn