|
Vườn bưởi tôm vàng của gia đình ông Phan Văn Hào ở Đội 2, xã Thượng Mỗ. |
Giàu có từ trồng bưởi Gia đình ông Phan Văn Hào ở Đội 2, xã Thượng Mỗ có 6 sào bưởi tôm vàng đã 24 năm tuổi. Vụ bưởi này, vườn nhà ông Hào đậu quả rất sai. Để có những vụ bưởi bội thu, ông Hào đã áp dụng nhiều kinh nghiệm. Ông cho biết, bưởi là loài cây ưa ẩm nhưng lại không chịu được úng nên vườn trồng bưởi không được để úng nước, phân bón cho cây tốt nhất là phân gà ủ hoai mục và hạt đậu tương ngâm. Gia đình ông Hào cũng không sử dụng thuốc diệt cỏ mà thường làm cỏ bằng tay. Theo kinh nghiệm của ông Hào, bưởi tôm vàng ngon là những quả có cuống nhỏ. Ngon nhất là những quả có trọng lượng từ 0,8 đến 1,2kg. Bưởi thường chín vào các tháng cuối năm, áp Tết Nguyên đán và cây càng lâu năm, chất lượng quả càng ngon. Năm vừa qua, vườn bưởi của gia đình ông cho thu nhập 360 triệu đồng. “Trồng bưởi không phải đầu tư nhiều, 90% giá trị thu về là công và lãi người trồng được hưởng” - ông Hào vui vẻ cho biết.
Cách vườn của ông Hào không xa là khu vườn 4 sào bưởi của hộ anh Nguyễn Văn Mạnh. Anh Mạnh cho biết, trước đây gia đình cấy lúa nhưng từ 7 năm nay chuyển sang trồng bưởi. Vụ vừa qua, gia đình thu quả được lứa thứ 5. “Bưởi tôm vàng Thượng Mỗ dao động từ 30 đến 70 nghìn đồng/quả (tùy theo tuổi cây). Vào các tháng cuối năm, thương lái đến tận vườn bưởi thu mua, người dân chưa phải lo đầu ra” - anh Mạnh cho biết.
Theo thống kê của UBND xã Thượng Mỗ, từ năm 2017 đến nay, nông dân xã Thượng Mỗ đã mở rộng được thêm 10ha bưởi tôm vàng, nâng tổng diện tích bưởi toàn xã lên 106ha. Tính bình quân, mỗi héc ta trồng bưởi tôm vàng cho giá trị khoảng 500 triệu đồng/năm. Bưởi tôm vàng đã mang... vàng về thay đổi đời sống người dân trong xã; xã Thượng Mỗ cũng đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2011-2015.
Không phụ thuộc vào tự nhiên Cách đây khoảng 5 năm, những vườn bưởi ở Thượng Mỗ thường xuyên bị mất mùa, tỷ lệ đậu quả rất thấp, người dân hoang mang do không biết nguyên nhân. Nhiều hộ đã chặt bỏ vườn bưởi để trồng cây khác. Nhưng giờ đây, cây bưởi Thượng Mỗ đã cho năng suất ổn định, người trồng có thu nhập khá… Ông Phan Văn Hào bật mí: “Trước đây, bà con thường để bưởi thụ phấn hoàn toàn tự nhiên. Khi gặp thời tiết bất lợi, cây không thụ phấn được, tỷ lệ đậu quả thấp. Hiện nay, chúng tôi đã biết cách “can thiệp” để bưởi ra hoa, đậu quả theo ý muốn. Khi bưởi ra hoa, chúng tôi dùng các chổi lông nhỏ, mềm, chấm vào các bông hoa, giúp bưởi thụ phấn tốt hơn, tỷ lệ đậu quả cao hơn...”.
Với anh Nguyễn Văn Mạnh, vừa làm chủ một vườn bưởi, anh vừa giữ vai trò Chủ tịch Hội Nông dân của xã và Chủ nhiệm Câu lạc bộ bưởi tôm vàng Thượng Mỗ. Anh Mạnh chia sẻ: “Những hộ trồng bưởi đã tụ lại, thành lập câu lạc bộ từ năm 2015 để hỗ trợ nhau trong sản xuất và tiêu thụ. Đến nay, câu lạc bộ đã thu hút được 40 hội viên tham gia, mỗi hội viên trung bình có 5 sào trồng bưởi. Trong những năm gần đây, người trồng bưởi xã Thượng Mỗ đã được huyện hỗ trợ 70 tấn phân NPK và hơn 5.000 gói thuốc trừ sâu sinh học. Ngoài ra, huyện còn mời các nhà khoa học về tập huấn cho nông dân kỹ thuật canh tác tốt hơn; đồng thời, xây dựng và bảo vệ thành công nhãn hiệu “Bưởi tôm vàng Đan Phượng”.
Mới đây khi đưa đoàn công tác của Nhật Bản đến thăm các vườn bưởi ở Thượng Mỗ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội Tạ Văn Tường đã nhận xét: “Bưởi tôm vàng Đan Phượng không những là một giống bưởi ngon đầu bảng trong các loại bưởi được trồng ở Việt Nam mà còn có mùi thơm rất quyến rũ khi chín. Đây cũng là giống bưởi bảo quản được thời gian dài (từ 4 đến 5 tháng sau khi thu hoạch). Quá trình canh tác đơn giản, phù hợp với đồng đất nhiều địa phương, có triển vọng nhân rộng và trở thành cây trồng làm giàu cho nông dân”.
Theo Nguyễn Mai/Báo HNM.vn