Đã có 19/29 xã đạt chuẩn
Được biết, 4 xã đạt điểm số cao trên của huyện Thường Tín là những xã đầu tiên đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) theo Bộ tiêu chí mới về xây dựng NTM của Hà Nội, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện Thường Tín lên 19 trên tổng số 29 xã.
Nghề trồng đào đang mang lại thu nhập cao cho người dân tại một số xã của huyện Thường Tín (Hà Nội). Ảnh: Hải Đăng
Là hộ có thu nhập hàng trăm triệu đồng từ nghề trồng hoa đào ở xã Vân Tảo, huyện Thường Tín, ông Bùi Văn Lâm cho hay: “Sau khi triển khai xây dựng NTM, người dân chúng tôi không chỉ được hưởng lợi nhiều từ các công trình giao thông, thủy lợi mà thu nhập cũng đang tăng lên theo từng năm”. |
Ông Kiều Xuân Huy - Chủ tịch UBND huyện Thường Tín cho biết, sau hơn 6 năm triển khai xây dựng NTM, bộ mặt NTM của Thường Tín đã thực sự khởi sắc. Đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng cao; tình hình an ninh trật tự trên địa bàn được giữ vững.
"Đặc biệt, đến nay huyện đã có nhiều mô hình chuyển đổi cây trồng, vật nuôi, thủy sản… cho hiệu quả kinh tế cao, với thu nhập từ hàng trăm triệu đồng đến hàng tỷ đồng/mô hình" - ông Huy nói.
Theo ông Huy, trong thời gian tới huyện sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền về xây dựng NTM nhằm tiếp tục nhận được sự ủng hộ, đoàn kết của người dân trong việc xây dựng, hoàn thiện và nâng cao các tiêu chí trong bộ tiêu chí NTM. "Trong giai đoạn tiếp theo, chúng tôi sẽ tiếp tục xác định xây dựng NTM hướng đến chất lượng và sự đồng tình của người dân" - ông Huy chia sẻ.
Ông Lê Thiết Cương - Chi cục trưởng Chi cục Phát triển nông thôn Hà Nội, Tổ trưởng Tổ công tác cho rằng: "Qua đánh giá chấm điểm, chúng tôi đã thấy NTM thực sự hiện hữu ở các địa phương trong huyện, đời sống của người dân ngày càng được nâng cao. Trong thời gian tới, đề nghị huyện tiếp tục triển khai sâu rộng phong trào xây dựng NTM đến toàn dân. Những xã đã đạt chuẩn cần nỗ lực nâng cao chất lượng các tiêu chí, để phong trào xây dựng NTM mang lại hiệu quả thiết thực và bền vững".
Đẩy mạnh phát triển làng nghề truyền thống
Thường Tín được biết đến là “đất trăm nghề” của Thủ đô khi toàn huyện có 126 làng nghề, trong đó có 47 làng được công nhận là làng nghề truyền thống. Hàng năm các làng nghề đã tạo việc làm và thu nhập ổn định cho hàng chục nghìn lao động nông thôn, góp phần phát triển xã hội ở địa phương.
Trong số 47 làng nghề được công nhận, có khoảng 12.700 cơ sở sản xuất và hàng trăm doanh nghiệp tư nhân sản xuất trong lĩnh vực nghề truyền thống, với số lao động tham gia làm nghề khoảng là 31.000 lao động. Trên địa bàn huyện đã xây dựng được 4 cụm công nghiệp làng nghề đang hoạt động hiệu quả (gồm Duyên Thái, Vạn Điểm, Ninh Sở và Tiền Phong), từng bước giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường tại các làng nghề. Huyện cũng đã triển khai xây dựng được 2 nhãn hiệu tập thể cho sản phẩm làng nghề sơn mài Hạ Thái, Duyên Thái và nhãn hiệu Tập thể thêu Thường Tín.
Một số làng nghề điển hình đang phát triển mạnh như bông len Trát Cầu, sơn mài Hạ Thái, xương sừng Thụy Ứng; cơ khí, mộc Nguyên Hanh, mộc cao cấp Vạn Điểm… Ước tính năm 2017, giá trị thu nhập từ công nghiệp – thủ công nghiệp của huyện đạt 9.976 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2016.
Tuy nhiên, các làng nghề đang gặp phải những khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ, nhất là về mặt bằng sản xuất như làng nghề cơ khí Nguyên Hanh, làng nghề Thụy Ứng, làng nghề tiện Nhị Khê, làng nghề điêu khắc Nhân Hiền… Hầu hết hoạt động sản xuất các làng nghề đều chung với khu dân cư nên vẫn còn tình trạng ô nhiễm về tiếng ồn, không khí, nước thải... Các sản phẩm sản xuất ra chủ yếu bằng phương pháp thủ công, việc tạo dựng thương hiệu làng nghề và sản phẩm làng nghề chưa thực sự được chú trọng…
Ông Huy cho hay: Theo kế hoạch phát triển nghề thủ công truyền thống, đầu tư xây dựng cụm công nghiệp trên địa bàn huyện, giai đoạn 2016-2020, huyện đã phê duyệt, triển khai hỗ trợ 124 lớp khuyến công cho khoảng trên 5.000 lao động với kinh phí gần 3,2 tỷ đồng. Tính từ đầu năm 2017 đến nay, huyện đã mở 17 lớp khuyến công đào tạo ngắn hạn trong thời gian 3 tháng cho 750 lao động, cung cấp nguồn lao động tại chỗ cho các cơ sở sản xuất và doanh nghiệp sản xuất nghề truyền thống.
Cùng với việc hỗ trợ đào tạo dạy nghề, huyện còn thực hiện chính sách hỗ trợ khác như xúc tiến thương mại, quảng bá các sản phẩm làng nghề, xây dựng nhãn hiệu tập thể cho các làng nghề truyền thống, kết hợp với du lịch làng nghề tại địa bàn...
Theo Hải Đăng/Báo Dân Việt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn