Năm 2009, Thị trấn Ngô Đồng huyện Giao Thủy – Nam Định được đầu tư xây dựng khu xử lý và chôn lấp rác thải sinh hoạt góp phần làm giảm ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên do một số nguyên nhân và đặc biệt do ảnh hưởng của cơn bão số 8/2012 đã làm hư hỏng toàn bộ các trang thiết bị dẫn tới khu xử lý vào thời điểm đến đầu năm 2013 rác thải đổ tràn ngập, tình trạng quá tải không còn chỗ chôn lấp, rác thải sinh hoạt phát tán mùi, ruồi, muỗi... gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe và cuộc sống của nhân dân xung quanh khu xử lý rác thải thị trấn.
Thời điểm rác ở Thị trấn Ngô Đồng ngập tràn
Trước thực trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương do rác thải sinh hoạt gây ra và chưa có phương án xử lý hiệu quả, tháng 10/2012, anh Nguyễn Thanh Công đã làm đơn gửi chính quyền địa phương xin được đảm nhận và ứng dụng công nghệ vào xử lý rác thải sinh hoạt tại khu xử lý rác của địa phương.
Để thiết kế ra lò đốt rác anh Công đã phải lặn lội đi nhiều tỉnh thành học hỏi sau đó về nghiên cứu thêm. Với những sáng tạo không ngừng nghỉ anh đã chế tạo thành công lò đốt rác áp dụng những công nghệ mới. Bên cạnh đó, anh Công cũng nghiên cứu chế tạo thiết bị xử lý khí trước khi cho thoát ra môi trường.
Sau nhiều năm đi học hỏi anh Công cũng đã chế tạo được Lò đốt rác áp dụng những công nghệ mới
Khí từ lò đốt được xử lý trước khi thải ra môi trường
Trao đổi với Dân trí, anh Nguyễn Thành Công cho hay: Rác thải được thu gom từ các địa điểm, hộ dân tập kết về nhà phân loại của khu xử lý khối lượng khoảng: 6 – 7 tấn/ngày. Tại đây rác thải được các công nhân phân loại ra làm nhiều loại gồm : Rác là các chất có thể tận dụng được như: Nhựa, giấy, sắt thép, vỏ hộp, thủy tinh màu trắng… được công nhân phân loại đưa vào kho chứa tận dụng bán phế liệu,tái chế; Rác gồm gạch, cát, đá, những vật liệu rắn không cháy và không phải là rác thải độc hại... chuyển vào địa điểm quy định trên khuôn viên khu xử lý.
Anh Nguyễn Thành Công chia sẻ về quy trình xử lý rác
Rác là những chất vô cơ, hữu cơ có thể cháy và không thể tận dụng, được đưa vào lò đốt để tiêu hủy. Tro xỉ từ lò đốt đưa vào hố chứa chất trơ đã có sẵn của khu xử lý để chôn lấp; Rác thải là các chất độc hại như: giẻ lau dầu, bóng đèn tuýp... đưa vào thùng chứa riêng để đưa đến cơ sở có chức năng xử lý rác thải độc hại.
Đối với rác là những chất hữu cơ như: rau, củ, quả, lá cây... phân hủy được thì đưa vào nhà ủ với sự hỗ trợ của chế phẩm vi sinh có tác dụng thúc đẩy nhanh quá trình phân hủy,tiêu diệt các mầm gây bệnh và sau thời gian 40 – 50 ngày đưa ra sàng để tận dụng lấy mùn hữu cơ sử dụng phục vụ cho chăm bón cây nông nghiệp.
Rác hữu cơ được tận dụng để làm phân vi sinh
“Hoạt động của quy trình hiện nay đang áp dụng sử dụng phương pháp phân loại, vận hành bằng nhân công lao động thủ công mà chưa sử dụng phương án cơ giới hóa nhằm giảm chi phí cho quá trình xử lý, nếu dùng phương pháp cơ giới hóa có thể áp dụng được nhưng sẽ làm tăng chi phí đầu tư ban đầu và chi phí cho quá trình vận hành xử lý và đòi hỏi đội ngũ công nhân vận hành phải có kỹ thuật. Mặc dù vậy, rác thải phát sinh trên địa bàn được xử lý triệt để trong ngày không để rác thải chưa được xử lý tồn đọng trên khu xử lý kể cả trong những ngày mưa, ẩm ướt. Việc xử lý đảm bảo vệ sinh môi trường tại khu xử lý và xung quanh” – anh Công bày tỏ.
Tuy nhiên, anh Công cũng thừa nhận việc khó khăn nhất trong việc xử lý rác thải hiện nay là do người dân chưa có ý thức trong việc phân loại rác đầu nguồn. Đây cũng là câu chuyện dẫn đến vẫn phải mất nhân công làm công việc này sau khi rác được tập kết về, rất dễ gây bệnh tật cho người công nhân.
Theo GS.VS Nguyễn Văn Hiệu, việc xử lý ô nhiễm môi trường ở nông thôn hiện nay đang là vấn đề rất cấp bách. Chính vì thế mỗi người dân phải có ý thức, muốn xử lý ô nhiễm phải có khoa học, các cơ quan khoa học phải có trách nhiệm cao.
“Là người yêu thiên nhiên, yêu đất nước, đồng bào, tôi đau lòng vì hiện nay bệnh tật khắp nơi, ô nhiễm nguồn nước, môi trường”, GS Hiệu trăn trở.
GS Hiệu cũng cho rằng, phương pháp hủy bằng cách đốt chất thải hiện nay rất tốt kém. Những phế thải hữu cơ ẩm ướt đem đốt tốn rất nhiều năng lượng. Những thứ này chúng ta có thể chế biến ra chế phẩm sinh học làm phân hữu cơ, từ đó mới có nông nghiệp sạch. Cách làm của anh Công là rất đáng hoan nghênh và cần phải tuyên truyền để nhân rộng. Tuy nhiên nếu làm được công tác phân loại rác đầu nguồn thì sẽ hiệu quả và đảm bảo được sức khỏe cho người công nhân hơn.
Theo Nguyễn Hùng/Dantri.com.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn