Đầu tư trồng chanh leo, bán cho DOVECO Gia Lai, nông dân đang có mức thu nhập khá cao |
Như vậy, khởi nguồn từ ngành nghề truyền thống là trồng, chế biến dứa tại Đồng Giao (Ninh Bình), rồi vươn ra các tỉnh Hưng Yên, Bắc Giang... thu mua chế biến vải thiều xuất khẩu, lên Sơn La, Hà Giang... trồng và thu mua chanh leo, giờ đây DOVECO đã Nam tiến vào miền đất bazan Tây Nguyên nắng gió, làm giàu cho nông dân nơi đây. Có người ví, 65 năm qua, DOVECO như cánh chim bay không mỏi.
Kể từ ngày 21/01/2018, sau gần 2 năm DOVECO Gia Lai khởi công xây dựng Trung tâm Chế biến Rau quả quy mô lớn và hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Cụm Công nghiệp và Tiểu thủ công nghiệp huyện Mang Yang (Gia Lai), trên diện tích gần 6ha, đến nay dự án đã hoàn thành. Được biết trên thực tế, thời gian thi công toàn bộ dự án chỉ trên 1 năm, tức là từ ngay từ tháng 03/2019 dự án gồm tổ hợp 3 nhà máy đã chính thức đi vào sản xuất- một tiến độ thần tốc.
Ngay khi dự án được triển khai, công ty đã kí hợp đồng liên kết với các hộ nông dân trồng rau quả được trên 4.000 ha. Đến năm 2020, vùng nguyên liệu chỉ riêng tại Gia Lai sẽ đạt 22.000 - 25.000 ha. Việc xây dựng, phát triển các vùng nguyên liệu dựa trên các đặc điểm về điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp với các loại cây trồng khác nhau. Theo đó, đối với những vùng nguyên liệu DOVECO Gia Lai thuê đất sản xuất, chính quyền địa phương đứng ra ký hợp đồng thuê đất của người dân, sau đó công ty ký hợp đồng với địa phương và chủ động trong việc tổ chức sản xuất.
Về phía người dân, sau khi đã cho thuê đất, DOVECO Gia Lai sẽ tạo điều kiện nhận họ vào làm nhân công ngay tại vùng nguyên liệu. Còn với vùng nguyên liệu liên kết sản xuất, công ty sẽ thực hiện đầu tư ban đầu, như cung cấp giống, vật tư phân bón đảm bảo chất lượng (không tính lãi suất), chuyển giao kỹ thuật. Đồng thời, hướng dẫn người dân sản xuất theo quy trình nhằm tạo ra sản phẩm đúng theo tiêu chuẩn từ khâu sản xuất cho đến chế biến, xuất khẩu.
Hiện công ty đang kiểm soát được trên dưới 4.000ha vùng nguyên liệu. Sản phẩm chủ lực hiện có là chanh leo với 600 ha. Công ty đầu tư ban đầu về giống cho nông dân, đến khi thu mua sẽ khấu trừ lại. Với giá thu mua chanh leo với giá tối thiểu là 6.000 đ/kg thì 1 ha thu khoảng 50 tấn quả, nông dân có thu nhập 300 triệu đồng, và lãi ròng 150 triệu đồng/ha mỗi năm.
Để làm tốt công tác đầu tư và thu mua, công ty đã thành lập được trên 60 tổ hợp tác ở 5 huyện trọng điểm như Mang Yang, Đăk Đoa, Chư Prông, Chư Pưh... Các tổ hợp tác này là cầu nối giữa công ty và nông dân trong việc đầu tư và thu mua nguyên liệu. Hiện vùng nguyên liệu của công ty đã phủ gần khắp tỉnh Gia Lai gồm chanh dây khoảng 1.400 ha, dứa 800 ha, chuối tiêu hồng 750 ha, còn lại là các loại đậu, ngô ngọt, rau chân vịt…
Hiện DOVECO Gia Lai đang kiểm soát được trên dưới 4.000ha vùng nguyên liệu. Sản phẩm chủ lực hiện có là chanh leo với 600 ha. |
Dự án DOVECO Gia Lai gồm tổ hợp 3 nhà máy, gồm NM chế biến nước quả cô đặc và puree, công suất thiết kế 10.000 tấn/năm, công nghệ và thiết bị của Italia; NM chế biến rau quả đông lạnh, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Nhật Bản; NM chế biến rau quả, rau đồ hộp, công suất thiết kế 10.000 tấn sản phẩm/năm, công nghệ và thiết bị của Italia, Đức và Nhật Bản. Khi toàn bộ nhà máy DOVECO Gia Lai đi vào hoạt động, doanh thu hàng năm sẽ đạt khoảng 2.000 tỉ đồng, kim ngạch xuất khẩu đạt 80 - 90 triệu USD, nộp ngân sách cho tỉnh khoảng 100 tỷ đồng. |
Đặc biệt, DOVECO Gia Lai có chính sách hỗ trợ trong trường hợp rủi ro, thiên tai và cam kết bao tiêu sản phẩm. Nguồn vốn hỗ trợ cho nông dân sẽ được công ty thu dần với định mức 20%/tháng khi nông dân đã có sản phẩm bán. Bên cạnh đó, công ty cũng cam kết ký hợp đồng bao tiêu các loại rau quả, nông sản có sẵn trong nhân dân như bơ, xoài, mãng cầu, chanh dây…
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc DOVECO- phụ trách Tây Nguyên cho biết, với phương châm đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, nhất là lợi ích của người lao động, thời gian qua, DOVECO Gia Lai đã liên hệ làm việc và khảo sát đất đai tại 15/17 huyện, TX, TP, ký hợp đồng liên kết với người dân để trồng cây nguyên liệu. Ngoài ra, công ty cũng đã hợp đồng thuê 250 ha đất để trồng chanh leo tại huyện Ia Grai; triển khai các mô hình trồng đậu tương tại huyện Đak Đoa, Phú Thiện, Ia Pa; trồng dứa tại huyện Ia Pa; trồng bắp ngọt, rau chân vịt tại huyện Mang Yang và xã An Phú (TP Pleku).
Xây dựng được vùng nguyên liệu ổn định là vấn đề sống còn nên công ty đã có định hướng phát triển rất rõ ràng. DOVECO Gia Lai cũng đã liên kết với Trung tâm Giống cây trồng tỉnh Gia Lai để triển khai sản xuất giống chuối tiêu hồng, dứa MD2, chanh leo, bắp ngọt… cung cấp cho người dân. Ngoài ra, công ty cũng sẽ tiến hành thu mua chanh leo, xoài… sẵn có trong dân. Vì vậy, về vấn đề đầu ra của nguyên liệu, người dân có thể an tâm khi hợp tác với công ty.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Phó Giám đốc HTX Nông nghiệp và Dịch vụ (huyện Đăk Đoa), cho biết: “Khi công ty đến đặt vấn đề liên kết, chúng tôi rất mừng, ngay đợt đầu đã có hơn 30 hộ đăng ký với trên 50 ha chanh leo. Công ty không chỉ cung cấp giống chất lượng, hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu đầu ra ổn định mà còn cam kết mua giá bảo biểm 6.000 đồng/kg (đối với chanh múc), cao gấp đôi so với giá ngoài thị trường. Với cách làm này, chúng tôi rất yên tâm, chỉ cần có đầu ra ổn định và giá bảo hiểm thì chắc chắn là có lời”.
Theo đó, các hộ gia đình trong xã, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số rất hào hứng với mô hình liên kết này, bởi chanh leo dễ trồng (có thể trồng trên diện tích tiêu chết, tiêu bị nhổ bỏ do rớt giá nhờ tận dụng hệ thống các cột đã được trồng sẵn, trồng xen canh), ít vốn và thu hồi nhanh.
Ông Lê Thanh Nguyên, tổ trưởng Tổ hợp tác thôn 6C xã H’La (huyện Chư Pưh) thổ lộ: “Gia đình tôi ký hợp đồng liên kết với công ty trồng 4ha chanh leo, hiện vườn đã thu và toàn bộ sản phẩm được nhập cho công ty. Nhờ hợp tác với công ty, chúng tôi yên tâm SX và thu được lợi nhuận tốt…”.
Nhà máy Chế biến rau quả DOVECO Gia Lai nhìn từ trên cao. |
Có thể nói, không đâu cây chanh leo hợp thổ nhưỡng hơn ở Tây Nguyên, trong đó 3 tỉnh trồng chanh leo tốt nhất là Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk do đất đai màu mỡ, địa hình cao so với mực nươc biển. Vì vậy không có gì lạ, sau khi nông dân liêu xiêu vì tiêu rớt giá, lập tức cây chanh leo lên ngôi. Chỉ cần đầu tư 130- 150 triệu đồng/ha, sau 4 tháng cây đã ra trái, 6 tháng có thể thu hoạch với mức thu nhập tới 350 triệu, thậm chí 400 triệu đồng/ha.
Không chỉ tập trung SX, vấn đề môi trường cũng được công ty đặt lên hàng đầu. Khu xử lý nước thải với thiết bị và công nghệ tiên tiến của Hà Lan giá trị hơn 5,5 tỷ đồng. Phương châm của công ty là đảm bảo hài hòa lợi ích giữa các bên, đặc biệt là lợi ích của nhân dân và người lao động trên địa bàn. Vì vậy, dù khá tốn kém nhưng công ty vẫn quyết tâm đầu tư hệ thống xử lý nước thải, đảm bảo mỗi giờ có thể xử lý 150 m3 nước thải SX...
Không chỉ ở Gia Lai mà ở các trung tâm chế biến rau quả khác, ngay khi xây dựng dự án, DOVECO Gia Lai đã ký hợp đồng với một đơn vị có uy tín, kinh nghiệm để xây dựng khu xử lý nước thải với thiết bị và công nghệ tiên tiến của châu Âu, sau khi xử lý, nước thải sẽ đạt tiêu chuẩn cột A. Khi dự án đi vào hoạt động đồng bộ, ngoài lực lượng lao động có trình độ chuyên môn cao, DOVECO Gia Lai còn tuyển dụng thêm khoảng 350 lao động phổ thông. Như vậy, sự hiện diện của công ty trên địa bàn không hề lấy đi việc làm của người dân, mà trái lại đã đem lại cho họ cơ hội tiếp xúc với tiến bộ khoa học kỹ thuật tiên tiến, nâng cao thu nhập, ổn định việc làm, từ đó người dân ngày càng gắn bó với công ty hơn nữa.
Ông Đinh Gia Nghĩa, Phó Tổng Giám đốc DEVECO- phụ trách Tây Nguyên: “Gia Lai hội tụ đầy đủ các điều kiện thuận lợi về thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nhân lực cho việc triển khai trồng các loại cây nguyên liệu phục vụ cho Trung tâm Chế biến Rau quả. Trong quá trình triển khai, chúng tôi luôn nhận được sự quan tâm, tạo điều kiện của lãnh đạo Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh Gia Lai, các Sở, ban, ngành, địa phương và đặc biệt là bà con nông dân nên việc xây dựng và phát triển vùng nguyên liệu rất thuận lợi”. |
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn