Đức và Huynh đang cùng làm cho Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Lào với mức lương khá ổn định (khoảng 13 triệu đồng/tháng), song cả hai quyết định xin thôi việc về lại Gia Lai khởi nghiệp từ chanh dây.
Vạn sự khởi đầu nan
Đến thăm trang trại chanh dây của đôi bạn trẻ Đức-Huynh ở xã Kon Gang (huyện Đak Đoa) cách TP. Pleiku gần 30 km, nhìn những giàn chanh dây trĩu quả đang rộ mùa thu hoạch ai cũng thầm thán phục. Bạn trẻ Nguyễn Tấn Huynh bộc bạch: “Để có được thành quả như ngày hôm nay là cả một quá trình vất vả đấy nhà báo ạ!”.
Nguyễn Tấn Huynh đang chăm sóc vườn chanh dây của mình. Ảnh: H.Đ.T
Đức tiếp lời: Năm 2012, sau khi tốt nghiệp đại học, cả hai đều xin vào làm việc ở Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai ở Lào. Sau một thời gian, thấy xa xôi quá nên Đức xin nghỉ về nhà phụ với gia đình làm kinh tế vườn, vừa làm vừa tìm hiểu thêm về việc phát triển loại cây gì phù hợp với xu thế hiện nay và cho hiệu quả kinh tế cao.
Thấy chanh dây là loại cây mới đang được thị trường trong và ngoài nước ưa chuộng, lại có nhiều ưu điểm như được giá, thời gian canh tác ngắn, Đức bàn bạc với Huynh cùng nhau hợp tác phát triển mô hình này. Thế là Huynh cũng xin nghỉ việc về Gia Lai bắt đầu khởi nghiệp lại.
Khi tìm nguồn đất để phát triển, do ít vốn nên cả hai quyết định thuê đất canh tác chứ không mua, lúc ấy do giá mủ cao su xuống thấp nên họ đã may mắn thuê lại được 6 ha cao su của một người dân ở xã Kon Gang với thời hạn 15 năm, mỗi năm 50 triệu đồng được trả theo từng năm. Sau khi thuê đất xong, họ tận dụng số cây cao su còn lại, cho cưa bớt thân để căng dây làm giàn. Ngoài tiền tích cóp, mượn của gia đình và bạn bè, cả hai còn vay ngân hàng với tổng vốn đầu tư lên đến hơn 700 triệu đồng.
Kinh nghiệm trong khởi nghiệp của Nguyễn Hữu Đức và Nguyễn Tấn Huynh: * Làm việc gì cũng phải có đam mê. * Chấp nhận khó khăn, thử thách. * Tìm hiểu thị trường thật kỹ, điều kiện thổ nhưỡng và khả năng sinh lời khi đầu tư. |
Tuy nhiên, khi bắt tay vào trồng, Đức và Huynh gặp không ít khó khăn vì qua mỗi giai đoạn, cây chanh dây lại đối mặt với nhiều loại bệnh khác nhau, đòi hỏi người trồng phải biết cách chăm sóc để đảm bảo cây trồng phát triển mạnh nhưng chất lượng an toàn. Bằng niềm đam mê và không ngừng học hỏi, họ đã quyết định chăm sóc cây chanh dây theo quy trình sinh học.
Cả hai chia sẻ: “Nhiều lúc gặp khó khăn mà chưa tìm ra cách giải quyết chúng tôi cũng rất buồn. Nhưng càng khó thì càng phải làm được, bởi quyết tâm của chúng tôi là phải tạo ra mô hình cây trồng chất lượng, nguồn chanh dây khi đến tay người tiêu dùng phải thật sạch và đảm bảo an toàn”. Sau thời gian nghiên cứu và áp dụng phương pháp mới, họ đã thành công trong việc khống chế bệnh phấn trắng-một loại bệnh rất khó chữa ở cây chanh dây.
Huynh cho biết: “Chanh dây rất sai quả, vì vậy nếu gốc bị tổn thương thì quả sẽ bị teo đi, nên ngoài cung cấp dinh dưỡng cho cây ở gốc thì bên trên phải cung cấp dưỡng chất thêm cho cây bằng phân bón lá để cây đủ sức nuôi quả”.
Thành quả từ nông sản sạch
Sau hơn một năm lao động miệt mài, đến nay, diện tích chanh dây của Đức và Huynh đã tăng lên 4 ha. Thành quả cho nỗ lực không ngừng của những người trẻ là vườn chanh dây tươi tốt, quả chi chít, căng tròn. Trung bình 1 ha chanh dây cho thu hoạch khoảng 50-60 tấn/năm, đến nay đôi bạn đã thu trên 1 tỷ đồng. Tùy theo giá thành từng thời điểm, song bình quân mỗi ký chanh dây họ bán được khoảng 20 ngàn đồng, so với các loại chanh dây khác thì được giá hơn vì trồng và chăm sóc theo quy trình sinh học.
Với sự xuất hiện ngày càng nhiều các sản phẩm chế biến từ chanh dây sẽ giúp nhiều nông dân, trong đó có Huynh và Đức tiêu thụ sản phẩm thuận lợi hơn.
Hiện nay trang trại chanh dây của “đôi bạn cùng tiến” này được nhiều người đến tham quan và học tập kinh nghiệm. Đức và Huynh cũng rất tận tình hướng dẫn và giúp đỡ bà con trong vùng thực hiện theo mô hình này. Hướng phát triển tiếp theo của đôi bạn trẻ này là liên kết với nông dân áp dụng quy trình của mình, tạo ra vùng nguyên liệu chanh dây sạch nói riêng, nông sản sạch nói chung. Từ đó, tạo uy tín cho thương hiệu chanh dây trong tỉnh, không những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn vươn ra thị trường quốc tế.
Không dừng ở đó, Đức và Huynh còn đưa phương pháp này vào áp dụng thực nghiệm chữa bệnh cho cây hồ tiêu, cà phê, bơ và cũng đã rất thành công. Còn 2 ha đất trống, cả hai dự định sẽ trồng bơ, rau sạch và hồ tiêu. Huynh cho biết: “Đến nay, trang trại chanh dây đã thu lại vốn và sinh lời, trong thời gian đến nếu chanh dây có giá thì tiếp tục tái đầu tư, còn nếu mất giá thì mình sẽ chuyển hướng đầu tư các loại cây khác”.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn