Cây chè bén duyên với vùng đất Văn Chấn, Yên Bái từ sau ngày giải phóng Tây Bắc và phát triển mạnh vào những năm 60, 70 của Thế kỷ trước theo chủ trương của Đảng, nhà nước ta về xây dựng vùng kinh tế mới.
Kể từ khi cây chè có mặt tại đây, các vùng đất hoang sơ nhất cũng đã nhanh chóng trở thành những đồi chè xanh ngút ngàn. Giờ đây, không chỉ là cây thoát nghèo, chè còn trở thành loại cây làm giàu cho bà con các dân tộc trong vùng.
Năm 1974, cây chè theo nhân dân Thái Bình đi xây dựng vùng kinh tế mới đến với xã Tân Thịnh, huyện Văn Chấn. Nhờ công lao động chuyên cần và sự màu mỡ của vùng đất này, các thôn từ Khe Nhừ, Khe Ngủ, Khe Hả, Khe Ma đã nhanh chóng được phủ một màu xanh của chè.
Chủ tịch UBND xã Tân Thịnh - Trần Văn Dĩnh cho biết, toàn xã hiện có hơn 400 ha chè, chủ yếu là giống LDP1, LDP2, Bát Tiên và Phúc Vân Tiên; chè của người dân thu hái đến đâu là có Công ty, HTX mua hết đến đó, với giá từ 3.500 - 4.500 đồng/kg búp tươi, nhờ đó, thu nhập của người trồng chè khá ổn định. Năm 2017, người dân trong xã đã có thu nhập hơn 10 tỉ đồng từ cây chè.
“Địa phương có đất đai màu mỡ, người dân lại có truyền thống làm chè từ lâu nên rất thuận lợi trong việc trồng và chăm sóc chè, cũng như phòng trừ các loại sâu bệnh. Hơn nữa, thị trường chè tại đây cũng sôi động khiến cây chè trong nhiều năm qua vừa là cây xoá đói giảm nghèo vừa là cây làm giàu cho người dân”, ông Dĩnh cho biết.
Những ngày tháng 6 này, bà con nông dân ở Thị trấn nông trường Liên Sơn, huyện Văn Chấn đang phấn khởi thu hái lứa chè hè đầu tiên trong năm. Do được cán bộ khuyến nông thường xuyên hướng dẫn và bà con đã có kinh nghiệm làm chè, cộng với các lứa chè trước được cắt bằng máy, nên búp chè lứa này đẹp và đều tăm tắp, bà con thu hái đến đâu được các nhà máy thu mua hết đến đó với giá ổn định.
Năm 2017, hơn 400 ha chè của thị trấn đem lại khoảng 30 tỉ đồng cho bà con nông dân. Nhờ có thu nhập ổn định, bà con đã đóng góp làm đường bê tông, xây dựng hệ thống điện chiếu sáng, nhà văn hóa ở các khu dân cư và đời sống được cải thiện rõ nét.
Chị Lò Thị Chiền, người dân trồng chè ở thị trấn nông trường Liên Sơn cho biết, trước kia gia đình vô cùng khó khăn vì nhà có ít đất lại không biết trồng cây gì để phát triển kinh tế. Từ khi trồng chè, thu nhập tăng lên rõ rệt, sinh hoạt của gia đình đã khấm khá hơn.
Huyện Văn Chấn là địa phương có diện tích chè lớn nhất tỉnh Yên Bái, với gần 4.700 ha, tập trung chủ yếu tại 3 thị trấn nông trường chè là Trần Phú, Nghĩa Lộ, Liên Sơn, cùng các xã như Suối Giàng, Phình Hồ, Suối Bu, Sùng Đô, Nậm Mười, Chấn Thịnh, Cát Thịnh…
Năm 2017, sản lượng chè thành phẩm của huyện đạt 17.600 tấn, đóng góp vào ngân sách địa phương trên 23 tỉ đồng. Việc sản xuất chè đã thường xuyên đem lại việc làm và nguồn thu ổn định cho trên 2 vạn người dân địa phương. Cây chè đã trở thành một trong những cây trồng chủ lực trong phát triển kinh tế, xoá đói nghèo của địa phương.
Để người dân tiếp tục gắn bó với cây chè và nâng cao chất lượng, thương hiệu của cây chè, huyện Văn Chấn đang tích cực cải tạo cây chè vùng thấp, phát triển chè shan ở vùng cao theo đề án đã được tỉnh phê duyệt. Cùng với đó là triển khai nhiều chính sách hỗ trợ người trồng chè trên địa bàn.
Ông Mai Mộng Tuân, Chủ tịch UBND huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái cho biết, tỉnh đã có các chính sách hỗ trợ cho bà con trồng chè gần 100% cây giống chè shan cho bà con trồng mới; hỗ trợ bà con thực hiện sản xuất an toàn. Sau khi chè cho thu hoạch, tỉnh hỗ trợ về giới thiệu, quảng bá, chỉ dẫn địa lý sản phẩm.
“Để quản lý hiệu quả và bảo tồn được giống chè shan tuyết quý hiếm, tỉnh thường xuyên chỉ đạo các phòng ban có liên quam mở các lớp tập huấn, hướng dẫn về các thu hái, chế biến và chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh cho cây chè Suối Giàng”, ông Tuân nói.
Hơn 60 năm bén duyên tại Văn Chấn, cây chè đã thực sự góp phần làm thay đổi diện mạo của vùng đất này. Một Văn Chấn với những ngôi nhà tạm bợ, dân thưa thớt xưa kia, giờ đã được thay thế bằng những bản làng trù phú với những ngôi nhà ngói đỏ kiên cố, ngập tràn tiếng cười vui hạnh phúc.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn