Tìm về miền đất bãi bồi ven sông ở thôn Tân Thành (xã Điện Phong, Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam), chúng tôi khá ngạc nhiên trước câu chuyện nhóm thanh niên dù đã có nghề nghiệp, thu nhập ổn định nhưng vẫn quyết định về quê làm nông dân. Họ cùng nhau thành lập nhóm “Rau hữu cơ Gò Nổi”, gồm 12 thành viên, trong đó có 10 bạn trẻ là con em quê hương Điện Phong.
Sản phẩm cho quê hương
Nhìn Nguyễn Tấn Pháp lem luốc giữa đồng rau, chắc không ai nghĩ anh từng là một cán bộ kỹ thuật ngành xây dựng. Từ bỏ công việc và thu nhập ổn định tại TP.Đà Nẵng, anh quyết định trở về quê Gò Nổi để cùng với những người bạn của mình làm nông dân chính hiệu. Gần 2 năm nay, kể từ khi mô hình “Rau hữu cơ Gò Nổi” ra đời, hằng ngày, từ 6 giờ 30 sáng, Pháp chở rau ra Đà Nẵng. Sau khi giao hàng cho khách trở về, anh ra Gò Mít quần quật với những vườn rau, củ, quả. Những lúc không ra đồng, Pháp ngồi vào máy vi tính, lên mạng giới thiệu sản phẩm, kết nối khách hàng… Nguyễn Tấn Pháp chia sẻ, tất cả chỉ xuất phát từ niềm đam mê làm nông nghiệp và khát vọng làm giàu trên quê hương. “Công việc vất vả, nhưng vì đã quyết tâm dấn thân, quan trọng nhất là mình được theo đuổi đam mê nên dù hiện tại thu nhập không cao nhưng tôi vẫn thấy hài lòng với lựa chọn của mình. Tôi tin rằng, vài năm nữa khi người tiêu dùng chấp nhận, thị trường rau hữu cơ chắc chắn sẽ có một vị trí vững chắc” – Pháp chia sẻ.
Nguyễn Tấn Pháp là một trong số 12 bạn trẻ tuổi đời chưa đến 30 tại xã Điện Phong tìm hướng đi cho mình từ mô hình rau hữu cơ. Điều đáng nói, hầu hết thành viên của nhóm không ai học ngành nông nghiệp, họ chỉ có chung sở thích ruộng vườn. Thậm chí, một số thành viên dù đang làm những công việc ổn định trong cơ quan nhà nước hay công ty lớn nhưng vẫn quyết định bỏ việc về làm nông với niềm đam mê và quyết tâm làm nông nghiệp sạch. Ngoài Pháp, có thể kể đến Nguyễn Thành Hải – kỹ sư cơ khí, hay Bùi Quang Khánh đang hành nghề luật sư. Trong đó, trước khi trở về quê làm nông Khánh đã có hơn 5 năm hành nghề luật sư tại Đà Nẵng với mức lương hàng tháng lên đến 15 triệu đồng, và bây giờ về làm nông chấp nhận mức thu nhập ban đầu mỗi tháng chỉ khoảng 4 triệu đồng. Cả nhóm chia việc để làm, nào là chăm sóc đồng rau, khai thác thị trường, cung cấp vận chuyển hàng hóa… tất cả phối hợp nhịp nhàng, hướng đến mục tiêu phát triển dự án rau hữu cơ, giới thiệu sản phẩm, mở rộng thị trường hiệu quả.
Ba héc ta đất nhóm thuê của người dân tại khu vực Gò Mít, Gò Côi (Điện Phong) lúc nào cũng đủ đầy rau quả. Mùa nào thức nấy, từ bí đỏ, bí đao, mướp, rau ngót, mồng tơi, rau dền, rau muống, ớt… sẵn sàng cung cấp ra thị trường. Những ngày thu hoạch, nhóm phải thuê thêm nhân công là người dân trong làng. Hàng tuần, các thành viên họp lại cùng phân tích thị trường, nêu ý tưởng sản xuất, kinh doanh…
Xây dựng niềm tin “rau hữu cơ”
Thị trường chính của “Rau hữu cơ Gò Nổi” chủ yếu ở TP.Đà Nẵng. Ngoài 3 cửa hàng hiện có nơi đây, nhóm đang tích cực tập trung vào thị trường khách lẻ thông qua các đơn đặt hàng trên mạng và tiếp thị trực tiếp tận nhà. Bình quân mỗi ngày nhóm cung cấp ra thị trường Đà Nẵng khoảng 30kg rau quả hữu cơ. Riêng thị trường TP.Hồ Chí Minh, dù chưa nhiều nhưng số lượng cũng đạt khoảng 1,2 tạ mỗi tháng. So với rau thông thường, giá rau hữu cơ cao hơn khoảng 30% – 40%, doanh thu mỗi tháng hơn 40 triệu đồng. Để cung cấp rau tươi ngon đến người tiêu dùng, thông thường chiều hôm trước nhóm đã cắt rau về, sau đó rửa sạch nhiều lần bằng nước máy, đến sáng hôm sau giao tận tay người tiêu dùng. “Ngoài đam mê, chúng tôi hướng đến mục tiêu kinh doanh và làm giàu trong tương lai, vì tiềm năng rau hữu cơ rất lớn. Nhóm đã xây dựng chiến lược quảng bá giới thiệu sản phẩm đến khách hàng, từ quảng bá qua facebook đến tham gia hội chợ, thậm chí tới từng nhà giới thiệu, kể cả cho khách dùng thử để tạo niềm tin. Khách hàng sau khi dùng thử chắc chắn sẽ tin tưởng vì rau hữu cơ hương vị sẽ khác rau thông thường ngoài chợ, thời gian bảo quản cũng lâu hơn. Khi một người trong khu phố tin dùng, dần dần cả khu phố sẽ tin dùng” – Lương Hoàng Phong, Trưởng nhóm “Rau hữu cơ Gò Nổi” nói.
Đặc biệt, với phương thức “đưa rau từ nông trại đến nhà bếp” không qua các khâu trung gian, nên khách hàng đặt đơn giá bao nhiêu nhóm cũng cung cấp. Hầu hết gia đình sau khi dùng thử đều đặt hàng mỗi tuần từ 100 – 200 nghìn đồng để mua rau sạch. Lương Hoàng Giang, một thành viên của nhóm nói, việc ra đời của mô hình rau hữu cơ ngoài nhu cầu của thị trường về rau sạch ngày càng cao, còn xuất phát từ khát vọng xây dựng một sản phẩm cho quê hương. Nên ngay từ đầu, các loại rau chỉ sử dụng phân hữu cơ và bắt sâu bằng tay, hoàn toàn không sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu. “Có mấy anh chị khuyên chỉ nên trồng rau sạch, không nên trồng rau hữu cơ vì rất khó. Nhưng nhóm nghĩ mình trồng rau khó mà người tiêu dùng dễ tin còn hơn trồng rau dễ mà người tiêu dùng khó tin” – Giang dí dỏm. Thậm chí, ban đầu người dân trong làng cũng hoài nghi với cách trồng rau không phân hóa học và không thuốc trừ sâu của nhóm. “Khi mình nói với người dân là trồng rau hữu cơ, hầu hết đều trả lời không được, bà con cho rằng trồng rau mà không dùng phân thuốc hóa học thì rau không thể lớn hoặc cũng xấu hơn. Chưa kể thời gian quá dài, thường gấp 3 lần trồng rau có bón phân thuốc hóa học. Có thể đây là thói quen của bà con do đó mình phải thay đổi dần nhận thức và thực tế một số người dân cũng bắt đầu quan sát nhóm làm, có ngưởi ủng hộ bằng cách không lấy tiền thuê đất, nên dù mô hình rau hữu cơ có năng suất thấp hơn các loại rau sử dụng phân, thuốc hóa học (70%) nhưng cái được nhất chính là sản phẩm an toàn, môi trường cũng trong lành hơn nên nhóm vẫn quyết tâm theo đuổi mô hình của mình” – Giang cho hay.
Các thành viên của nhóm chia sẻ, mô hình hiệu quả ban đầu cũng tốt, nhưng khó khăn vẫn còn nhiều. Chỉ riêng việc phân biệt giữa sản phẩm rau hữu cơ và rau sạch cũng là câu chuyện. Lương Hoàng Giang phân tích, phần lớn người tiêu dùng chỉ biết đến rau sạch mà chưa biết nhiều về rau hữu cơ, dù bản chất 2 loại rau này khác nhau hoàn toàn khi một bên vẫn cho phép dùng phân hóa học và thuốc trừ sâu ở một mức độ thấp nhất, còn rau hữu cơ thì chỉ dùng duy nhất phân chuồng để chăm bón. Thêm nữa, về màu sắc, rau hữu cơ thường cằn cỗi, vàng hơn, không bắt mắt người tiêu dùng. Nhưng ai đã ăn rau hữu cơ chắc chắn sẽ thấy ngon ngọt hơn, nhất là thời gian bảo quản cũng lâu hơn, có khi lên đến 15 ngày vẫn không hư nhũn. Còn Lương Hoàng Phong – Trưởng nhóm “Rau hữu cơ Gò Nổi” cho hay, khó khăn hiện nay của mô hình không chỉ là công chăm bón nhiều (nhổ cỏ, bắt sâu) hay đầu ra của thị trường mà còn có việc nhóm đăng ký thương hiệu “Rau hữu cơ Gò Nổi” nhưng chưa được chấp nhận, vì địa danh Gò Nổi gắn với thương hiệu tập thể.
Theo Vĩnh Lộc/langmoi.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn