Chị Nguyễn Thị Diễm trao đổi với ông Kim Văn Tiêu, PGĐ Trung tâm Khuyến nông Quốc gia về nuôi tôm theo mô hình tôm - lúa Ảnh: XT
Vuông tôm - lúa của chị Diễm rộng 2,5 ha, lặng như tờ, không hề có lấy dù chỉ một cánh quạt tạo ôxy. Cũng phải thôi, vì ở đây, người dân chỉ nuôi tôm theo hình thức quảng canh, mật độ thả nuôi chỉ từ 1 - 2 con và không phải bổ sung thức ăn công nghiệp. Chỉ ra vuông tôm mênh mông nước, chị Diễm tự tin nói: “Thấy vậy chứ mỗi năm tôi đều thu lời một đến hai trăm triệu là chuyện bình thường. Cũng nhờ làm mô hình tôm - lúa mới được vậy, chứ hồi trước thì “bèo” lắm”.
Hiện nay, vuông tôm của chỉ Diễm đã gần 3 tháng và theo chị tôm đã vào cỡ dưới 30 con/kg hết rồi. Chị Diễm cho biết: “Vừa rồi tôi mới thu khoảng trên 100 kg, do tôm chưa vô cỡ lớn nên chỉ bán được giá 160 - 200 nghìn đồng/kg, còn bây giờ chắc phải cỡ 250 nghìn đồng/kg trở lên hết rồi”. Như để kiểm chứng lời nói của mình, chị Diễm cho người em bơi xuồng ra vuông kéo chiếc lú lên, xổ ra toàn tôm bự, con nào cũng mạnh, búng mình văng khỏi cái xô. Kết quả cân thử cho thấy tôm đạt cỡ 24,4 con/kg.
Sau khi thấy kết quả, chị Diễm cười tươi khẳng định: “Cỡ này là bán được giá 270 nghìn đồng/kg rồi đó. Ráng thêm độ nửa tháng nữa là vô cỡ 20 con/kg, giá còn cao hơn nhiều”. Với 2,5 ha tôm - lúa, chị Diễm dành ra một ao nhỏ để làm ao ương trong khoảng 20 ngày sau đó mới bung ra hết toàn bộ diện tích nuôi. Với cách làm này, theo chị Diễm, mỗi năm chị thu hoạch khoảng 300 - 400 kg tôm cỡ lớn, lợi nhuận 170 - 200 triệu đồng. Sau đó, chị lấp lại bằng 1 vụ lúa ST5 tính ra cũng lời được 50 triệu đồng.
Ở vùng đất An Minh này, trước đây, người dân chỉ làm được 1 vụ lúa mỗi năm, năng suất chỉ khoảng 3 tấn, nên đời sống hết sức khó khăn. Từ khi có tôm sú về sống luân canh với cây lúa, đời sống người dân được cải thiện rất nhiều. Với mô hình này, vào mùa nắng, độ mặn lên khoàng 4 - 5‰, người dân bắt đầu thả tôm nuôi tôm sú mật độ thưa (1 - 2 con/m2), nên chỉ cần thức ăn tự nhiên trong ao thôi cũng đủ để tôm lớn. Đến khi mưa giá, độ mặn giảm (tháng 9 - 10), người dân bắt đầu làm đất để sạ lúa. Cây lúa được nuôi sống từ nguồn chất thải con tôm nên cũng phải sử dụng phân bón, giá thành mỗi kg tính ra chỉ khoảng 1.500 - 2.000 đồng.
Tôm sú chưa đầy 3 tháng của chị Diễm đã đạt cỡ 24,4 con/kg
Riêng gia đình chị Diễm, từ lúc áp dụng mô hình tôm - lúa một cách triệt để, năm nào cũng thu hoạch được 1 đến 2 trăm triệu, cất được nhà khang trang và mua sắm không ít tiện nghi đắt tiền cho gia đình. Chị Diễm bật mí thêm: “Tổ hợp tác tụi tui bắt đầu làm theo VietGAP rồi, nhưng buồn một cái là giá bán thì cũng như giá tôm khác. Tui mong muốn tới đây có doanh nghiệp nào đó vô hợp đồng mua tôm VietGAP của mình để giá bán được ổn định và hiệu quả được cao hơn”.
Ở Kiên Giang và đặc biệt là vùng U Minh Thượng (gồm các xã: An Biên, An Minh, U Minh Thượng và Vĩnh Thuận), tôm - lúa chính là mô hình chủ lực, với tổng diện tích trên 80.000 ha. Tuy nhiên, do năng suất tôm còn thấp nên thu nhập của người dân chưa cao. Vì vậy, tỉnh đang tìm kiếm, chuyển giao các giải pháp khoa học kỹ thuật, nhằm giúp nâng cao năng suất tôm nuôi trong mô hình lên 500 kg/ha và ổn định năng suất các giống lúa đặc sản khoảng 4 - 5 tấn/ha.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn