“Mấy anh cảnh giác nghe, hàng trăm chú chó “ kiểng” sủa ỏm tỏi khi có người lạ tới thăm nên “ mệt” lỗ tai lắm. Riêng mấy chú chồn thì dễ thương, hiếu khách và rất lịch sự”. Ông Ngô Thanh Nguyên, 52 tuổi ngụ ấp Đông Lợi, xã Đông Phước, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang nói vui.
Ông Nguyên bắt 1 con chồn hương giới thiệu với khách.
Ông Nguyên kể thêm, hồi nhỏ ông đã đam mê chăn nuôi nhiều loại chim thú khác nhau. Những năm gần đây do nắm bắt nhu cầu của thương trường nói chung, nhất là những hộ gia đình có kinh tế khá giả rất yêu thích 2 loại thú “ hiếm” là chồn hương (có nơi gọi là cầy hương, cầy xạ, chồn mướp) và chó cảnh nên ông đã nghiên cứu cách chăn nuôi, phối giống, sinh sản của 2 loại thú này và hiện rất thành công. Thị trường tiệu thụ 2 loại thú nuôi này của ông Nguyên chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đà Nẵng, Khánh Hòa...
Chồn hương ông Nguyên nuôi có nguồn gốc là loài động vật hoang dã vừa đẹp, hiền, vừa có giá trị về kinh tế cao. Nhiều người thích nuôi chồn hương vì theo y học dân gian, mùi xạ hương của con đực là một loài thuốc quý và thịt chồn hương chế biến được nhiều món ăn ngon.
“Loại thú này bắt đầu sinh sản sau 12 tháng tuổi. Người nuôi cần chú trọng đến cách chăm sóc, áp dụng đúng kỹ thuật về vệ sinh chuồng trại, chế độ ăn uống. Mỗi năm chồn có thể đẻ 2 lứa, mỗi lứa từ 2-3 con. Với chồn sinh sản, người nuôi cho ăn 2 lần vào buổi sáng và chiều, còn chồn thương phẩm chỉ cho ăn 1 lần vào buổi tối. Thức ăn chủ yếu là chuối chín, cá, chuột, đầu gà...Tuy nhiên, đầu gà phải được nấu chín trước khi cho ăn để chồn không bị nhiễm bệnh...”, ông Nguyên chia sẻ.
Một con chồn hương được ông Nguyên mới tách đàn.
Theo ông Nguyên, hiện nay giá bán chồn hương từ 1,4 triệu đồng/ký. Bình quân, 1 con chồn hương nuôi từ 3-6 tháng sẽ có trọng lượng từ 1,5-2 ký bán được từ 2,2-2,8 triệu đồng/con. Ông Nguyên sắp xuất bán 50 con chồn hương, dự kiến sẽ thu về trên 130 triệu đồng. Nét đặc thù của chồn hương là càng nhiều tháng tuổi thì càng có giá. Số lượng chồn hương nuôi của ông Nguyên hiện không đủ bán cho khách hàng. Vì thế ông đang mở rộng diện tích chuồng trại để tăng số lượng chồn hương.
Bên cạnh thu lãi từ chồn hương, ông Nguyên còn rất thành công trong việc kinh doanh chó kiểng. Nếu như ban đầu ông chỉ nuôi thử nghiệm 10 con thì nay mỗi năm ông xuất bán trên 100 chú chó kiểng các loại khác nhau.
Mỗi 1 ô chuồng, ông Nguyên nhốt 1 con chó kiểng.
Những giống chó kiểng này có nhiều xuất xứ khác nhau, từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ như: Phốc, Phốc lai Nhật, Nhật xù (Japanese Chin), Poodle, Alsaka, Cooker - Spaniel (Tây Ban Nha), Dachshund (chó lạp xưởng)…Bình quân, mỗi tháng đàn chó kiểng mẹ của nhà ông Nguyên cho ra đời được 15-20 chó con. Mỗi con sau khi nuôi từ 3-6 tháng tuổi có giá từ 1-10 triệu đồng/con, tùy loại, tùy giống. Với tiền bán chó kiểng, bình quân mỗi năm ông Nguyên thu về trên 400 triệu đồng.
Một giống chó kiểng mẹ được ông Nguyên nuôi sinh sản.
Ông Nguyên cho biết thêm, ông không biết về cuốn sách "Kỹ thuật nuôi chó thịt" gây tranh cãi có nội dung ra sao, nhưng chó kiểng dễ nuôi. Thức ăn cho chó kiểng phải sạch, bảo đảm an toàn vệ sinh và chó nuôi phải tiêm chủng định kỳ để tránh dịch bệnh.
“Để chó khỏe mạnh, có bộ lông đẹp thì chuồng nhốt phải cao ráo, thông thoáng, đủ ánh sáng, phải nhốt riêng từng con. Thường chó đẻ mỗi năm 2 lứa, mỗi lứa từ 2-6 con. Chó con, sau 2 tháng có thể xuất chuồng. Đặc điểm của chó kiểng là càng ít tháng tuổi thì giá bán càng cao vì tâm lý người mua dễ huấn luyện khi chó kiểng còn nhỏ...", ông Nguyên thổ lộ.
Theo Trương Thanh Liêm/Dân Viêt.vn
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn