Nhìn từ Phù Cừ
Dồn thửa, đổi ruộng là yêu cầu thực tế trong phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa. Qua đó, góp phần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học, đưa cơ giới hóa vào sản xuất, nâng cao hiệu quả kinh tế cho người dân, đóng góp kinh tế của tỉnh. Trong quá trình thực hiện dồn thửa, đổi ruộng, tỉnh đã chỉ đạo các địa phương phải tổ chức công khai, dân chủ từ xây dựng phương án đến chia ruộng ngoài thực địa. Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên Nguyễn Văn Phóng |
Thực hiện Chỉ thị số 21-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp, Phù Cừ là huyện đầu tiên của Hưng Yên hoàn thành công tác này ở tất cả các thôn, xã thuộc diện thực hiện. Huyện cũng là địa phương duy nhất hoàn thành dồn thửa, đổi ruộng vào cuối năm 2015 theo đúng yêu cầu của Chỉ thị 21. Tổng cộng công tác dồn thửa, đổi ruộng trên địa bàn huyện đã thực hiện trên diện tích 4675,86ha với 24.109 hộ. Chính việc sớm hoàn thành dồn thửa, đổi ruộng mà Phù Cừ đã xuất hiện những thửa ruộng lớn, những cánh đồng khang trang. Trên cơ sở này, huyện cũng đã thực hiện quy hoạch hệ thống giao thông thủy lợi nội đồng theo tiêu chí NTM, đồng thời có điều kiện để đưa cơ giới hóa vào sản xuất, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất nông nghiệp.
Tại hội nghị tổng kết công tác “Dồn thửa, đổi ruộng đất nông nghiệp” trên địa bàn huyện Phù Cừ, lãnh đạo huyện cho biết, chìa khóa để thực hiện thành công chính là nhờ dân vận, tuyên truyền, thay đổi nhận thức của bà con và phát huy dân chủ trong quá trình thực hiện. Công thức mà Phù Cừ đã áp dụng là: Chi bộ đảng đưa ra chủ trương, phương hướng; thôn xây dựng các phương án dồn thửa, đổi ruộng để dân bàn, dân quyết định; chính quyền xã kiểm tra, giám sát. Ban đầu, việc triển khai được thực hiện với các gia đình cán bộ, đảng viên, cựu chiến binh và những người đã nhận thức rõ về lợi ích của dồn thửa, đổi ruộng, sau khi thực hiện thành công thì tạo hiệu ứng lan tỏa sang các hộ dân khác. Mọi khó khăn, vướng mắc được chính quyền tiếp nhận, đưa ra bàn thảo, cùng nhân dân đưa ra phương án xử lý.
Nhiều diện tích chuyển đổi mục đích sau dồn điền đổi thửa cho năng suất cao - Ảnh: Thanh Bình |
Phù Cừ thành công còn bởi sự nỗ lực của chính quyền khi chứng minh cho người dân thấy được những lợi ích tốt đẹp của việc dồn thửa, đổi ruộng. Có được các thửa ruộng lớn cũng mới chỉ là điều kiện cần, điều kiện đủ là trên cơ sở đó, phải thay đổi phương thức sản xuất, áp dụng máy móc, công nghệ, nâng cao năng suất và giá trị sản phẩm nông nghiệp. Đó mới là cái đích của dồn thửa, đổi ruộng. Bí thư Huyện ủy Phù Cừ Lê Trí Viễn cho hay, cùng với thực hiện dồn điền, đổi thửa, huyện đã đầu tư hỗ trợ nông dân với các chương trình cụ thể như Chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp; Chương trình phát triển nông nghiệp bền vững nâng cao giá trị hàng hóa; Kế hoạch chuyển đổi từ trồng lúa kém hiệu quả sang trồng cây hằng năm kết hợp chăn nuôi và nuôi trồng thủy sản trên đất trồng lúa; Dự án xây dựng thương hiệu nông sản vải lai chín sớm Phù Cừ... bước đầu mang lại hiệu quả tích cực.
Hoàn thành dồn thửa, đổi ruộng trong năm 2016
Những ngày này, các địa phương thuộc diện dồn thửa, đổi ruộng ở tỉnh Hưng Yên đang gấp rút triển khai các công đoạn cuối cùng nhằm thực hiện đúng chỉ đạo của UBND tỉnh là hoàn thành trong năm nay. Theo thống kê, đến đầu tháng 12, toàn tỉnh đã có 82/92 xã, thị trấn hoàn thành thực hiện dồn thửa, đổi ruộng. Theo Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên Đặng Xuân Lương, các địa phương chưa thực hiện dồn thửa, đổi ruộng có nguyên nhân khách quan như nhiều khu đất quy hoạch dành đất cho công nghiệp, đô thị, hoặc nhân dân đã thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, hình thành những cánh đồng cho thu nhập cao vì thế khó thu hồi để tiến hành dồn thửa, đổi ruộng. Bên cạnh đó, các cán bộ tại một số địa phương chưa giám sát chặt công tác dồn thửa, đổi ruộng, có hiện tượng tư lợi, khiến nhân dân bức xúc, khiếu kiện đòi quyền lợi, từ đó chưa tạo được sự đồng thuận.
Xuất phát từ kinh nghiệm thực tế, Chủ tịch Hội Nông dân xã Liên Phương, TP Hưng Yên Đinh Quang Thuần cho rằng, khi tiến hành công việc dồn thửa, đổi ruộng địa phương phải triển khai tốt công tác tuyên truyền. Để bảo đảm sự công bằng các mảnh ruộng và giải tỏa những lo ngại của người dân thì trước khi chia lại ruộng, các thôn phải làm xong hệ thống thủy lợi, đường giao thông ra đồng, đến tận những nơi đồng xa, ruộng xấu. Để giải quyết những vướng mắc trong quá trình dồn thửa, đổi ruộng của tỉnh, Sở đã thành lập tổ công tác, giao trách nhiệm cho từng cán bộ phụ trách từng huyện. Ngoài việc phụ trách nhận thông tin về kết quả thực hiện dồn thửa, đổi ruộng của huyện, các cán bộ tổ công tác sẽ hỗ trợ huyện, xã, thôn trong thực hiện các nhiệm vụ chuyên môn, đặc biệt là xây dựng phương án dồn thửa, đổi ruộng hợp lý, hợp tình.
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn