Dưới đây là câu chuyện khởi nghiệp với tinh thần như một "chiến binh" do ông Thái Văn Tâm ở TP HCM chia sẻ với độc giả VnExpress.
Tôi tốt nghiệp Đại học Luật năm 1973. Sau giải phóng, nghề luật sư chế độ cũ không có đất dụng võ vì thế tôi không thể hành nghề trong một thời gian dài. Đó là một giai đoạn hết sức khó khăn không phải của chỉ riêng tôi mà tất cả mọi người sống tại buổi giao thời đều gặp phải.
Sau đó, tôi may mắn được phụ trách bộ phận pháp chế trong Sở Xây dựng TP HCM, rồi mạnh dạn đứng ra quy tụ đội ngũ kỹ sư, kiến trúc sư để lập một tổ hợp xây dựng năm 1982 và khá thành công, giúp tôi có một số vốn kha khá để tiếp tục đầu tư trang trại bò sữa vào năm 1986 tại xã Nhị Bình, huyện Hóc Môn.
Ông Thái Văn Tâm bên vườn kiểng cho doanh thu 5 tỷ đồng mỗi năm. |
Khởi đầu, tôi nuôi chục con bò sữa với hình thức chăn nuôi nhỏ lẻ. Sau đó mở rộng quy mô thành trang trại với số lượng lên đến 120 con, cả bò sữa lẫn trâu sữa Ấn Độ. Năm 1990 trang trại của tôi trở thành đơn vị tư nhân chăn nuôi bò sữa lớn nhất miền Nam thời mở cửa.
Mỗi ngày trang trại cung cấp ra thị trường 300 - 400 lít sữa, trong khi chi phí làm ra một lít sữa thấp, ít đối thủ cạnh tranh, con giống bán có giá. Tuy nhiên, đàn bò Ấn Độ lai tạo tại địa phương tuy sản lượng bình quân hàng ngày có con đạt trên 20 lít sữa nhưng vẫn thua xa giống bò sữa Hà Lan thuần chủng được nuôi ở trại bò quốc doanh Lâm Đồng cho 30 đến 40 lít sữa mỗi ngày. Muốn cải tạo đàn, tôi lên tận Lâm Đồng để tuyển chọn giống bò có chất lượng tốt nhất rồi quyết định mua 5 con với giá 4 đến 5 cây vàng mỗi con, gấp đôi bò Ấn Độ lai tại chỗ.
Thời gian đầu bò cho lượng sữa rất tốt nhưng một năm sau thì bắt đầu bị loãng xương và thường xuyên bị bệnh khớp do nhiệt độ chênh lệch khiến lượng sữa giảm xuống còn khoảng 10 lít mỗi ngày, buộc tôi phải bán rẻ cho thương lái và coi như mất trắng.
Vì vẫn rất yêu thích chăn nuôi, tại những chuồng bò còn trống tôi nuôi thêm đàn heo cả trăm con và có lãi. Năm sau tôi đầu tư lớn, ngoài heo giống của các trại quốc doanh, tôi còn mua thêm từ các hộ nông dân tại địa phương với số lượng lên đến 250 con. Không may sau đó bầy heo bị bệnh thương hàn bầm đỏ ở tai rồi lan dần ra khắp mình. Bán đổ bán tháo được một ít, số còn lại chết hết.
Tôi thường tự nhủ: “Kinh doanh có lời có lỗ, lợi nhuận lấy đầu này đắp đầu kia, cái này thất bại thì lấy cái kia đắp vô, không thấy thất bại mà nản không làm nữa”. Tôi tiếp tục đầu tư nuôi 50 con nai, rồi vun vén đầu tư sang lĩnh vực nhà hàng, khách sạn ở quận 1, quận 6, Gò Vấp và kinh doanh thêm dịch vụ cho thê xe từ 4 đến 50 chỗ. Việc kinh doanh này đều khá hiệu quả.
Vào giai đoạn 2004 - 2005 ngành xây dựng bị chững lại, một phần vì tuổi cũng đã cao sức lực có hạn không thể ôm đồm làm nhiều việc cùng một lúc, nên tôi quyết định dừng hẳn công việc kinh doanh và bán luôn hệ thống nhà hàng khách sạn, tạm thời rút lui khỏi thương trường để tìm hướng đi mới.
Ở độ tuổi 53, tôi về quê cất nhà, làm vườn và suy nghĩ: làm nông nghiệp năm được năm không, lúc được mùa, lúc lại thất, vì vậy chọn làm vườn cây kiểng là tốt nhất, có thể chủ động trong việc định ra giá trị sản phẩm, việc mua bán đều dựa trên tinh thần thuận mua vừa bán. Sau khi tính toán, tôi bắt tay vào xây dựng thương hiệu vườn kiểng Hai Tâm
Tận dụng 3ha đất của gia đình, tôi đầu tư 20 tỷ đồng cho vườn cây kiểng. Thời gian đầu, tôi phải tìm hiểu, thăm quan rồi tìm những người nổi tiếng trong nghề để học hỏi.
Vốn có kinh nghiệm kinh doanh, tôi nhận thấy các doanh nghiệp xem trọng yếu tố phong thủy như cây lộc vừng tượng trưng cho tài lộc, tiền bạc, cây Sa La hay còn gọi là cây vô ưu tượng trưng cho vui vẻ không phiền muộn, cây sanh tượng trưng cho sinh khí, cây sung tượng trưng cho sung túc..., nên quyết định tập trung vào dòng cây kiểng cổ thụ và cây phong thủy để đáp ứng thị hiếu của người tiêu dùng.
May mắn vì có nhiều mối quan hệ nên ngay khi bắt đầu tôi đã có nhiều mối để chào hàng và nhiều nguồn cây để cung ứng ra thị trường. Tôi trồng cây kiểng trong bầu và đặt trên mặt đất, bộ rễ được chặt bỏ bớt nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng cho cây, tránh làm cây bị mất sức giúp khi trồng cho khách tỉ lệ sống của cây rất cao.
Cái khó của kinh doanh cây kiểng là phải hiểu được đặc tính của từng loại cây, có cây ưa nắng, cây ưa bóng râm, cây ưa nước... Ngoài ra mỗi loại cây có một loại sâu bệnh riêng nên cần phải tìm hiểu kỹ. Làm nghề này tôi cũng chịu nhiều bài học đau thương trong kinh doanh. Chẳng hạn bứng một số cây cổ thụ có giá trị lớn về dưỡng, nhưng cây mới ra lá tôi đã bón phân với hy vọng cây mau phát triển nhưng lại khiến chúng chết hàng loạt. Sau này tôi mới phát hiện ra, cây mới bứng về trồng, chồi non đâm ra nhiều nếu bón phân vào cho cây lúc này thì phân sẽ gây nóng và làm chết cả bộ rễ. Thời gian đầu tôi trồng cứ mười cây thì tỷ lệ chết cũng từ ba đến bốn cây.
Làm nghề này cũng gặp khó khăn trong khâu vận chuyển. Đối với những cây có trọng tải lớn trồng ở các quận trung tâm phải trồng vào ban đêm. Xe cẩu trên 2 tấn chỉ được phép vào nội thành từ 12h đêm đến 6h sáng hôm sau. Ngoài ra, có những mặt bằng do địa hình hẹp, xe cẩu không vào được thì phải vận chuyển bằng sức người.
Thời điểm trước 2010 nghề này sinh lời rất tốt, nền kinh tế phát triển, công trình địa ốc phát triển nên tôi bán được nhiều. Cây mới đem về tán lá chưa ra nhưng đã hết hàng. Lúc này doanh thu mỗi năm của tôi đạt trung bình trên 10 tỷ đồng. Còn hiện nay, do tình hình địa ốc suy thoái, các dự án xây dựng bị đóng băng nên doanh thu từ nghề kiểng của tôi cũng chịu ảnh hưởng. Với mức doanh thu 5 tỷ mỗi năm, tôi vẫn còn trụ được với nghề nhưng chỉ ở mức cầm cự được chứ không còn ăn nên làm ra như trước nữa.
64 tuổi với 12 năm kinh doanh cây kiểng, vườn của tôi hiện có khoảng 600 cây kiểng cổ thụ, cây ăn trái có độ tuổi trên 20 năm với hơn 30 loại giống, cùng cả nghìn loại cây khác. Để chăm sóc vườn kiểng quy mô này, tôi có 2 kỹ thuật viên và 32 nhân công. Từ 3 ha đất ban đầu, hiện tại tôi đã có 7 ha cây kiểng trong đó có 2 ha đất đi thuê và một showroom trưng bày ở quận 2.
Theo Vnxpress
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn